Lễ hội truyền thống

1. Lễ hội Chợ Gò

Cứ mỗi độ Tết đến - Xuân về, khi hoa mai, hoa đào nở trước hiên, cây cối trút bỏ lớp áo đông úa nhạt để thay bộ cánh non xanh lộc biếc thì hàng ngàn du khách thập phương và bà con quanh vùng lại cùng tụ hội về Chợ Gò Trường Úc, thuộc thôn Phong Thạnh - thị trấn Tuy Phước (Bình Định) để cùng mở hội vui Xuân. Lễ hội này chưa ai xác định được có tự bao giờ, nhưng theo truyền thống thì đây là một phiên chợ độc đáo vì mỗi năm chỉ nhóm 1 phiên duy nhất vào ngày đầu năm mới ( mùng 1 tết âm lịch).

Tương truyền Trường Úc ngày xưa là tiền đồn của quân Tây Sơn đóng giữ để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Tết đến, Hoàng đế Quang Trung chỉ dụ cho phép mở hội vui Xuân tại Chợ Gò Trường Úc, trước là để nhân dân dân bản địa vui xuân sau chiến tranh mất mát khổ nhọc, sau là để ba quân vui xuân vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình. Chỉ dụ còn quy định thời gian vui chơi từ mùng 1 đến mùng 3 tết.  

Chợ Gò là nơi mua bán để trao cho nhau chút lộc đầu Xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang thịnh vượng chứ không đơn thuần vì lý do kinh tế. Tại Lễ hội, với trò chơi dân gian đặc sắc và vui nhộn như : Múa lân, kéo co, đi cà kheo và đập ấm,..... Đặc biệt, là màn giao lưu múa võ cổ truyền tôn vinh truyền thống miền đất võ Bình Định cũng như việc huấn luyện quân sĩ dưới thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ.

Với ý nghĩa lịch sử - văn hóa như vậy, Lễ hội Chợ Gò từ lâu đã trở thành một Lễ hội truyền thống - một di sản văn hóa tinh thần vô cùng quý báu của huyện Tuy Phước mà tự bao đời nay người dân địa phương luôn gìn giữ, kế thừa và phát huy các giá trị độc đáo của lễ hội này. Lễ hội, đã đem đến niềm vui, xóa đi nhọc nhằn vất vả của một năm lao động và sản xuất. Đồng thời, tạo hứng khởi mới, động lực tinh thần mới cho mọi người trước thềm một năm mới.

Một số hình ảnh tại Lễ hội Chợ Gò:

Đông đảo du khách về tham dự Lễ hội Chợ Gò

 

Đánh bài chòi cổ dân gian tại Lễ hội

 

Viết thư pháp

 

Mua bán trầu cau lấy lộc đầu năm

 

2. Lễ hội Đua thuyền trên sông Gò Bồi

Đến hẹn lại lên, sau phiên chợ Gò - Trường Úc (Tuy Phước) mỗi năm chỉ nhóm họp một lần vào mùng Một Tết Nguyên đán, thì mùng Hai Tết tại sông Gò Bồi (Phước Hòa) lại sôi nổi diễn ra cuộc tranh tài của ngư dân các xã Khu Đông huyện qua Hội đua thuyền truyền thống, thu hút hàng ngàn khách du xuân tham gia cổ vũ. Đây là hai hoạt động vui xuân, đón Tết đặc trưng của huyện Tuy Phước được tổ chức hàng năm và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân Tuy Phước trong ba ngày Tết.

Hàng năm, cứ vào ngày mùng Hai Tết Nguyên đán, trên sông Gò Bồi (vùng trung tâm chợ) lại nhộn nhịp, huyên náo hẳn lên bởi hàng ngàn người vừa khách thập phương vừa dân bản địa tập trung trên cầu, dưới bến hò reo cổ vũ cho Hội đua thuyền truyền thống diễn ra trên sông. Hội đua thuyền ở đây có từ xa xưa, gắn bó mật thiết với cư dân ven đầm Thị Nại - nó khơi dậy truyền thống quê hương vùng sông nước trong đánh giặc ngoại xâm. Ngày nay, hội đua thuyền tôi luyện sức dẻo dai phục vụ đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy sản của ngư dân trong vùng. Mặt khác, đây cũng là hoạt động tinh thần thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân biển… 

Các vận động viên (VĐV) tham dự là những ngư dân trẻ, khỏe được tuyển chọn ở 4 xã Khu Đông Tuy Phước (Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng). Mỗi xã một đoàn từ 20 đến 25 VĐV tham gia các loại hình: Đua thuyền tập thể, đua sõng câu, thi bơi lội và thi bắt vịt trên nước. Thuyền tham gia đua được làm công phu với thiết kế đầu rồng, trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt được chuẩn bị trước đó hàng tháng và do tập thể cả xã đầu tư - bởi chiếc thuyền đua là đại diện bộ mặt địa phương. Khi cờ lệnh phất, 4 thuyền rồng của 4 xã xuất phát cũng là lúc tiếng cổ vũ, tiếng hò reo, tiếng trống thúc giục làm sôi động cả vùng sông nước. 

Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi và phiên chợ Gò Trường Úc là nét văn hóa đặc trưng trong dịp xuân về, Tết đến của người dân miền đất cuối nguồn sông Kôn này.

Một số hình ảnh tại Lễ hội Đua thuyền trên sông Gò Bồi:

Đua thuyền rồng tập thể

 

Các đội đang bức phá về đích

 

Tiết mục ca nhạc, ngâm thơ trên sông trong Chương trình Lễ hội Đua thuyền

Đông đảo du khách đến dự Lễ hội Đua thuyền

3. Lễ hội Đô thị Nước mặn

Lễ hội Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời rất sớm ở Bình Định, từ cách đây gần 4 thế kỷ, Lễ hội được tổ chức tại chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Lễ hội được tổ chức hàng năm từ mồng 1-3 tháng 2 Âm lịch.

Khoảng 400 năm trước, khu vực thôn An Hòa là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư sang mở phố buôn bán. Lễ hội Nước Mặn ra đời và được tổ chức ở chùa Bà vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt - Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (Đèo Cả - Phú Yên) và cứ thế duy trì, phát triển, thăng trầm theo nhịp sống của cảng thị này.  

Cho đến ngày nay, tuy cảng thị đã suy tàn, biến dạng thành một vùng quê yên tĩnh nhưng chùa Bà vẫn còn, Lễ hội Nước Mặn vẫn còn như một hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa một thời của Bình Định, là biểu tượng của tình giao hữu cùng người Việt lập chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và chùa Bà (Thiên Hậu miếu) để thờ cúng. Chùa Bà là nơi thờ Thiên hậu thánh mẫu - một nhân vật huyền thoại, thường cứu vớt tàu thuyền gặp nạn. Điểm đặc biệt của Lễ hội là người dân ở đây thắp đèn lồng vào các ngày lễ, các nhà đều chuẩn bị đồ ăn thức uống trong nhà để sẵn sàng chào đón khách thập phương đến với lễ hội và xem đây như Tết thứ hai trong năm.

Một số hình ảnh tại Lễ hội Đô thị Nước mặn:

Trao Bằng chứng nhận Di tích Chùa Bà là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh

 

Đoàn hành lễ "rước sắc nghin thần"

 

Tiết mục biểu diễn võ thuật truyền thống tại Lễ hội

 

Người dân đến dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên hiền đã có công khai phá và xây dựng CảngThị Nước Mặn

 

Lễ hội thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước

4. Lễ hội Cầu ngư

Ở Tuy Phước, Bình Định gắn liền với biển đầy cát và nắng gió là những phong tục, tín ngưỡng, lễ hội phong phú, đa dạng mang đậm nét văn hóa vùng miền, mà mỗi khi nhắc tới biển, mọi người hay nói đến lễ hội cầu ngư, hát múa bả trạo... Ðây là những loại hình tín ngưỡng có tính đặc trưng, không chỉ phản ánh đời sống lao động sản xuất mà còn là cách để ngư dân giải trí, tâm tình sau những ngày lao động mệt nhọc, lênh đênh trên biển. Lễ hội Cầu ngư được tổ chức vào ngày 16/2 AL hằng năm, tại Lăng Ông Nam Hải ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (Bình Định).

Cầu ngư là lễ tiết quan trọng nhất trong những lễ thức của chu kỳ đánh bắt thủy hải sản của ngư dân miền biển Bình Ðịnh. Ngày diễn ra lễ hội thường là ngày “Ông lụy” (cá voi chết, dạt vào bờ biển làng chài), dân làng quan niệm được phúc lành khi tổ chức mai táng, cúng tế cá Ông. Rồi vào ngày đó của những năm sau đó Lễ hội lại được tổ chức, dần dần trở thành tập quán lễ hội của làng chài. Lễ hội gắn liền với tục thờ cúng cá voi, với nhiều truyền thuyết, nhiều nét văn hóa còn ghi đậm trong dân gian.

Theo thông lệ, lễ hội diễn ra trong khoảng thời gian ba ngày đêm. Ngày đầu tiên, tổ chức nghi thức lễ trần thiết bài vị, rồi tiến hành nghênh thần (nghinh thủy lục), lễ an thần; ngày thứ hai tổ chức nghi thức đại lễ tế thần; phần hội gồm: Hát múa Bả Trạo, hội xây chầu hát Bộ, hô bài chòi và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển... diễn ra vào ngày thứ ba, có sự đan xen trong thời gian hành lễ ở ngày đầu tiên và ngày thứ hai.

Nét đặc sắc trong lễ hội Cầu ngư là hát múa Bả Trạo, vừa là nghi thức tế lễ vừa là hoạt động nghệ thuật, hoạt cảnh múa hát, thể hiện sinh hoạt, lao động của ngư dân như chèo thuyền, kéo lưới. Kịch bản bả trạo từ cụ Tú Diêu, người làng Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Nơi đây đã lưu giữ nghệ thuật hát múa bả trạo có từ thế kỷ 17, mang bóng dáng của một thể loại hát bội cổ điển ở Bình Ðịnh

Gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, lễ hội cầu ngư góp phần làm phong phú thêm sống tinh thần của cá nhân và cộng đồng ngư dân. Quanh năm bận rộn với việc đi biển cùng bao khó khăn, vất vả. Lễ hội là dịp để ngư dân thư giãn, tạo lập thế cân bằng trong đời sống tinh thần sau một năm đánh bắt vất vả, cực nhọc. Các sinh hoạt văn hóa trong Lễ hội đã đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới. Mặt khác, đây còn là dịp để cộng đồng tri ân với thần linh, với thế hệ tiền nhân đi trước, những người có công trong việc phát triển nghề cá, đồng thời là dịp hội ngộ bằng hữu xóm làng.

Một số hình ảnh tại Lễ hội Cầu ngư:

Đoàn tàu đánh cá tiến ra cửa biển rước thuỷ thần

 

Ban tế lễ ra đầm nghinh rước thủy thần về nhập điện

 

Lễ yết cúng chính thức và cầu Quốc thái dâng an tại lăng ông Nam Hải

 

Tiết mục hát chèo Bả Trạo

Nguồn: Sưu tầm.

  Ý kiến bạn đọc

12642/QĐ-UBND

Về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, xác minh, tham mưu Chủ tịch UBND huyện giải quyết đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

Thời gian đăng: 18/12/2024

lượt xem: 27 | lượt tải:34

12643/QĐ-UBND

Ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Tuy Phước

Thời gian đăng: 18/12/2024

lượt xem: 9 | lượt tải:10

12720/QĐ-UBND

V/v công nhận kết quả đánh giá, xếp loại công tác dân vận của chính quyền xã, thị trấn trên địa bàn huyện năm 2024

Thời gian đăng: 18/12/2024

lượt xem: 11 | lượt tải:11

381/TB-UBND

Ý kiến kết luận của đồng chí Huỳnh Nam - Chủ tịch UBND huyện tại cuộc họp rà soát các tồn tại, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai

Thời gian đăng: 18/12/2024

lượt xem: 21 | lượt tải:25

159/BCĐ-UBND

V/v phối hợp thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm,bảo đảm an ninh trật tự dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Thời gian đăng: 18/12/2024

lượt xem: 9 | lượt tải:8
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay86
  • Tháng hiện tại242,935
  • Tổng lượt truy cập8,866,910
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây