Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em vẫn đang diễn biến phức tạp. Năm 2017, tổng số cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại Tư vấn và hỗ trợ trẻ em thuộc Cục Trẻ em (hiện nay là Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111) tăng 40.000 cuộc (hơn 370.000 cuộc gọi so với hơn 330.000 cuộc năm 2016). Trong đó, có gần 2.000 ca tư vấn về bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 7,7% tổng số ca tư vấn của Tổng đài và tăng 3% so với năm 2016. Tuy Phước có 48.463 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,65% dân số (trẻ em dưới 6 tuổi: 18.325 em, chiếm 37,81% tổng số trẻ em). Hiện toàn huyện, có 284 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 0,59% tổng số trẻ em (250 trẻ em bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, 34 trẻ em mồ côi cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ); có 992 em sống trong hộ nghèo (chiếm 2,05% tổng số trẻ em). Từ năm 2010 đến năm 2017, trên địa bàn huyện đã xảy ra 24 vụ xâm hại trẻ em, tất cả các vụ việc đều được cơ quan chức năng khởi tố hình sự.
Tại buổi truyền thông, các cấp, các ngành và Nhân dân được tuyên truyền về quyền trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật trẻ em thông qua việc trả lời câu hỏi của các đội thi và tiểu phẩm. Từ đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời, vận động phụ nữ và toàn xã hội tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn hành vi ngược đãi phụ nữ, trẻ em, bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện, giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà./.
Tác giả bài viết: Thanh Trúc- Phòng Lao động- TB&XH huyện
Ý kiến bạn đọc