Theo UBND 2 xã Phước Thuận và Phước Sơn, sắn nước được trồng dọc theo chân núi Kỳ Sơn, diện tích lên gần 15 ha, thời gian xuống giống trồng sắn nước từ tháng 6 đến tháng 7 âm lịch hàng năm, việc chăm sóc rất đơn giản phân bón chủ yếu sử dụng phân chuồng. Đặc biệt không sử dụng thuốc trừ sâu vì cây sắn kháng được sâu bệnh, thời gian thu hoạch sau 3 – 4 tháng từ khi xuống giống. Sắn thu hoạch năm nay được mùa, giá sắn bán hiện 10.000đ/kg nên người trồng sắn thu nhập khá.
Bà Phan Thị Hằng, ở thôn Kỳ Sơn, nhà trồng đến 2.000m2 sắn nước, cho biết: Năm ngoái năng suất sắn không bằng như năm nay, giá cả năm ngoái lại thấp nên thu nhập của bà con không bao nhiêu. Còn năm nay 4 sào sắn tôi bán tại rẫy thu được 28 triệu đồng (7 triệu đồng/ sào), năm nay ai trồng sắn thu nhập đều khá.
Đang vào mùa thu hoạch sắn nên rất nhiều thương lái các nơi đổ về đây để mua sắn vận chuyển bán các chợ trong tỉnh và bán tận Gia Lai. Anh Nguyễn Minh, ở thị xã An Khê (Gia Lai), chuyên đến xã Phước Thuận và Phước Sơn mua sắn, đóng thành bao rồi chở bằng xe tải lên Gia Lai bán, bộc bạch: Chất lượng sắn nước ở đây vỏ mỏng, không xơ, mọng nước, vị ngọt thanh nên rất được ưa chuộng. Cứ tới mùa thu hoạch sắn là tôi xuống mua đem lên Tây Nguyên bán kiếm thu nhập.
Sắn được đóng bao chở bán ở Tây Nguyên
Còn anh Lê Thắng, quê ở xã Phước Thắng (Tuy Phước) lên lập nghiệp ở huyện Chư Sê (Gia Lai) đã 35 năm vẫn không quên hương vị củ sắn quê hương, hàng năm về quê giỗ chạp trong mùa thu hoạch sắn là anh mua cả trăm ký mang về biếu bạn bè, người thân “Cứ mỗi lần tôi về quê là bạn bè, người thân họ nhắc nhở: Nhớ lên mua củ sắn nha, ăn củ sắn sống ở quê ông chấm muối ớt ngon đáo để.” anh Thắng chia sẻ.
Tác giả bài viết: Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc