Hiện toàn xã, có trên 50 hộ trồng nấm, với diện tích từ 100-150m2/hộ. Theo anh Nguyễn Quốc Dũng, một hộ dân trồng nấm tại thôn Hưng Nghĩa cho biết: “Việc trồng nấm không quá phức tạp và tốn kém, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 15 ngày, nơi trồng nấm có thể tận dụng ở góc vườn hoặc ruộng lúa sau khi thu hoạch. Vốn đầu tư ban đầu cũng không quá lớn, chủ yếu là chi phí mua meo nấm 3.000 đồng/mô; trồng nấm không mất nhiều công, chủ yếu lúc đóng mô, cấy meo giống, một lao động chính có thể hoàn thành 80 mô/ngày”.
Chia sẻ kinh nghiệm, anh Dũng cho biết thêm: “Để nấm đạt năng suất cao, ngoài việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật, việc chọn nguyên liệu phải kỹ, rơm tươi phơi khô xử lý qua vôi là tốt nhất, tuyệt đối không được lẫn rơm đã bị mốc đen. Khi chăm sóc và thu hoạch nấm, phải vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn độc”.
Hiện nay trên địa bàn xã Phước Nghĩa có rất nhiều hộ đầu tư trồng nấm, trong đó có nhiều hộ đang đầu tư mở rộng mô hình. Theo các hộ dân, bình quân trồng 100m2 đất sẽ cho thu hoạch khoảng 80kg nấm/ đợt, mỗi tháng các hộ trồng từ 2-3 đợt, giá bán nấm dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân thu lãi 5-7 triệu đồng cho mỗi đợt trồng.
Ông Lê Công Thành- Phó Chủ tịch UBND xã bày tỏ: “Điều đáng băn khoăn hiện nay là người dân trên địa bàn xã vẫn còn quan điểm sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng. Chính vì thế, việc thành lập các tổ hợp tác, thương hiệu trồng nấm theo hướng chuyên nghiệp từ khâu nuôi trồng, sơ chế và xuất bán là rất cần thiết. Khi đó, người trồng nấm ở địa phương sẽ yên tâm trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm và mở rộng mô hình”.
Có thể thấy nghề trồng nấm rơm ở xã Phước Nghĩa là một trong những hướng làm giàu hiệu quả của nông dân, không những tăng thu nhập mà có thể tận dụng triệt để những phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp./.
Tác giả bài viết: Ngọc Yến- Đài xã Phước Nghĩa
Ý kiến bạn đọc