Vụ Đông xuân năm 2013-2014 Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng mô hình sản xuất lúa trên vùng ruộng trũng bị nhiễm mặn tại thôn Vinh Quang 1, xã Phước Sơn với diện tích 10.000m2 gieo sạ bằng giống lúa OM5953, có 12 hộ nông dân tham gia. Bà con tham gia sản xuất theo mô hình được hổ trợ 100% giá giống lúa, 30% vật tư phân bón và được hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: Xử lý thau chua, rửa mặn chân đất bằng vôi và phân lân Văn Điển trước khi gieo sạ, gieo sạ bằng phương pháp sạ hàng với mật độ 5kg giống/sào; công tác bón phân cân đối “4 đúng”, áp dụng phòng trừ sâu bệnh dịch hại tổng hợp IPM và kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”… Kết quả thu hoạch trên diện tích ruộng sản xuất trong mô hình đạt 79,9 tạ/ha, so với diện tích đối chứng ngoài mô hình gieo sạ bằng giống DV108 trên cùng chân đất cho năng suất cao hơn 3,8 tạ/ha, người nông dân lãi ròng gần 4,2 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Ngoài ra qua thực tế sản xuất giống lúa OM5953 có nhiều ưu điểm vượt trội như tính chống chịu cao, ít đổ ngã, đẻ nhánh khỏe đồng đều, bông dài, khả năng thích ứng với vùng đất ruộng nhiễm mặn ven đê có nhiều điều kiện bất lợi, nhất là giảm mật độ gieo sạ từ 12-15kg lúa giống/sào xuống còn 5kg lúa giống/sào, mật độ gieo sạ dày (12-15kg lúa giống/sào) dẫn đến sau bệnh phát sinh cao nên tiền đầu tư cho công tác phòng trừ sâu bệnh nhiều hơn so với sản xuất trong mô hình.
Với kết quả thực tế từ mô hình sản xuất bằng giống lúa OM 5953 trên chân đất nhiễm phèn-mặn tại thôn Vinh Quang 1, xã Phước Sơn đã mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ nông dân. Hy vọng rằng trong thời gian đến các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tổ chức nhiều mô hình sản xuất ở các mùa vụ khác nhau, với nhiều giống lúa mới cho năng suất cao và phù hợp với chân đất trũng nhiễm phèn-mặn ven đê Đông, để bà con nông dân có sự lựa chọn gieo sạ, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện./.
Tác giả bài viết: Tấn Hùng
Ý kiến bạn đọc