Theo báo cáo của UBND huyện, qua tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn, phần lớn các đơn thư khiếu nại tố cáo thường tập trung trên lĩnh vực đất đai, mà chủ yếu là tranh chấp đất đai, tranh chấp nội bộ trong dòng tộc anh em, một số nội dung mang tính chất đòi lại đất cũ, chính sách bồi thườnggiải phóng mặt bằng.... Tổng số vụ tiếp nhận giải quyết là 75 vụ, bao gồm: 14 vụ tố cáo, 47 vụ khiếu nại, 14 vụ tranh chấp đất đai. Sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, nhận thức của người dân có chuyển biến nên số đơn thư khiếu nại tranh chấp đất đai giảm, trách nhiệm và hiệu quả giải quyết của UBND huyện được nâng lên. Số quyết định hành chính trong quản lý đất đai, tổng số là 5683 quyết định, bao gồm: 2.569 quyết định thu hồi đất; 2.557 quyết định giao đất, 43 quyết định cho thuê đất, 268 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, GPMB, 64 quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Về cơ bản các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân đã được UBND huyện cùng các ngành chức năng xem xét và giải quyết kịp thời, do vậy góp phần làm giảm số vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài và vượt cấp, ổn định an ninh trật tự tại các địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động này thời gian qua cũng còn bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, giải tỏa, bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chưa thực hiện đồng bộ. Biên chế lực lượng làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có hạn và hạn chế về năng lực, chuyên môn, nên không thể giải quyết tất cả các vụ việc theo thời hạn luật định. Do đó, vẫn còn những vụ việc tồn đọng kéo dài; Việc tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật nói chung, Luật Khiếu nại, tố cáo nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong cộng đồng dân cư chưa thường xuyên, nên nhận thức của một phận nhân dân về pháp luật còn hạn chế, cũng dẫn đến phát sinh các khiếu kiện.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã phân tích làm rõ một số kết quả đạt được, chỉ ra một số tồn tại hạn chế, đồng thời yêu cầu UBND huyện tuy Phước cần tiếp thu ý kiến của các thành viên trong đoàn để bổ sung làm rõ một số vấn đề được đề cập trong báo cáo; phân tích làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan trong thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về đất đai, qua đó xây dựng các giải pháp xử lý dứt điểm, tránh xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai. Địa phương cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về đất đai, để mọi người dân hiểu và thực hiện. Có giải pháp để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức làm các công việc liên quan tới công việc trên. Xây dựng và thực hiện tốt các nội dung liên quan về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có liên quan tới lĩnh vực đất đai...
Đoàn giám sát ghi nhận ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của đại diện các ngành liên quan và địa phương đối với những bất cập, tồn tại trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn để phản ánh với các cơ quan chức năng trong tỉnh, các bộ, ngành Trung ương và tổng hợp đóng góp vào chương trình, nội dung của kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Tác giả bài viết: Đào Duy Quốc -VP. HĐND và UBND huyện
Ý kiến bạn đọc