Theo nội dung công bố Đề án phát triển làng nghề trồng hoa Bình Lâm của UBND huyện Tuy Phước, quy hoạch diện tích của làng nghề trồng hoa khoảng 88 ha, được triển khai thực hiện ở thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa) và thôn Tú Thủy (xã Phước Hiệp). Trong đó, trồng các loại hoa cây kiểng là 62 ha, xây dựng kết cấu hạ tầng là 8 ha và các loại đất khác khoảng 18 ha. Giai đoạn đầu của Đề án, từ năm 2021 - 2025, huyện Tuy Phước hình thành vùng trồng hoa kiểng tập trung khoảng 3 ha, xung quanh khu vực tháp Bình Lâm; lựa chọn một số hộ dân làng nghề để đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng cây hoa kiểng và thành lập HTX hoa kiểng Bình Lâm, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hoa; đẩy mạnh liên kết giữa phát triển dịch vụ du lịch với làng nghề trồng hoa; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng hoa Bình Lâm. Đầu tư nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất và các hoạt động tham quan, du lịch làng nghề. Trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các nội dung của giai đoạn đầu, giai đoạn tiếp theo, UBND huyện sẽ triển khai nhân rộng phát triển làng nghề theo định hướng của Đề án.
Làng nghề trồng hoa Bình Lâm được định hướng phát triển gắn với du lịch, hình thành vùng sản xuất hoa kiểng tập trung quy mô lớn với 28,9 ha sẽ trồng hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao thuộc thôn Bình Lâm; 31,6 ha sẽ trồng hoa truyền thống tại thôn Bình Lâm và thôn Tú Thủy; đồng thời, trồng 1,5 ha hoa sen để tạo điểm nhấn cho khách tham quan. Các loại hoa kiểng được xác định chủ lực gồm: Cây hoa (như: hoa cúc, đồng tiền, hoa lan, cát tường, hoa hồng, cẩm chướng, hoa sen…), cây kiểng (như: đỗ quyên, lưỡi hổ, phú quý, kim tiền, xương rồng, sen đá, đuôi công…), cây bonsai (như: mai vàng, mai chiếu thủy, nguyệt quế, hoa giấy, lộc vừng, mẫu đơn… Làng nghề sẽ ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ; khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất giống theo công nghệ cao gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa kiểng kết hợp với tham quan du lịch.
Để phát triển làng nghề trồng hoa Bình Lâm gắn với loại hình du lịch thật sự hiệu quả và bền vững, huyện Tuy Phước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn, đào tạo nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất hoa, cây cảnh, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, giá thể trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng của làng nghề theo hướng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu du lịch,.. … đảm bảo thuận lợi cho việc phát triển làng nghề trồng hoa gắn với du lịch; xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hoa kiểng rải vụ, nhằm duy trì lượng hoa đa dạng chủng loại tại chỗ phục vụ du lịch quanh năm. Cải tiến kỹ thuật sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu; đào tạo cho nông dân những kiến thức về sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ trong sản xuất thân thiện với môi trường;tuyên truyền, tập huấn, động viên nông dân địa phương giữ gìn cảnh quan bảo vệ môi trường hoa kiểng trong lành, sạch đẹp.
Ông Huỳnh Thanh Vương - Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết: Việc thực hiện Đề án phát triển Làng nghề trồng hoa Bình Lâm gắn với du lịch, tìm hiểu giá trị văn hóa của địa phương sẽ là “cú hích” từng bước giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người dân vùng nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của tháp Bình Lâm; chú trọng xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp để tạo sức hút đối với du khách và góp phần xây dựng nông thôn mới./.
Tác giả bài viết: Ánh Nguyệt- Trung tâm VH-TT-TT huyện
Ý kiến bạn đọc