Từ 01/01/2012 đến nay, tình hình bệnh dịch tay chân miệng tiếp tục diễn biến phức tạp, tính đến ngày 26/3/2012 cả nước đã ghi nhận hơn 15.000 trường hợp mắc tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2011. Tại huyện Tuy Phước, tính đến ngày 26/3/2012 đã ghi nhận 203 cas (có 01 cas tử vong) xuất hiện ở 13/13 xã, thị trấn ( trong đó có 169 cas năm 2011). Từ đầu năm đến nay đã phát hiện 03 ổ dịch nhỏ tại thôn An Cửu, thôn Biểu Chánh (xã Phước Hưng) và thôn Phổ Đồng (xã Phước Thắng) với 34 cas mắc bệnh tay chân miệng, chủ yếu là trẻ em từ 06 tháng tuổi đến 64 tháng tuổi, xuất hiện ở 10/13 xã, thị trấn ( trừ Phước Lộc, Phước Thành và thị trấn Tuy Phước). Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các phòng, ban, ngành, hội, đoàn thể, ngành y tế từ huyện đến cơ sở đã tập trung nguồn lực, tích cực chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống dịch như: tăng cường công tác tuyên truyền, tiến hành các biện pháp xử lý ổ dịch, sử dụng hóa chất diệt khuẩn nên đã kịp thời khống chế dịch. Tuy nhiên, tình hình dịch tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng trong cả nước.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Phạm Tích Hiếu- Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Trưởng phòng Phòng Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng cụ thể như sau:
1. Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện:
- Phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể (đặc biệt là Đài Truyền thanh từ huyện đến cơ sở) tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Chú trọng công tác giáo dục, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Hướng dẫn người dân khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh thì phải đến ngay cơ quan y tế gần nhất để được theo dõi, cách ly và điều trị kip thời, hướng dẫn thực hiện vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng (nhất là trong các nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non), vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi trẻ em bằng hóa chất khử khuẩn thông thường hoặc Chloramin B, kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh trong chế biến thức ăn, nước uống cho trẻ.
- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị tốt cơ sở điều trị, tập huấn cán bộ, bảo đảm đủ cơ số thuốc phục vụ công tác điều trị.
- Thủ trưởng các đơn vị y tế chịu trách nhiệm về điều trị và trong trường hợp có tử vong tại cơ sở trước Chủ tịch UBND cấp mình.
- Tổ chức tập huấn về phác đồ điều trị cấp cứu bệnh nhân tay chân miệng cho các bác sỹ và điều dưỡng tại các cơ sở y tế.
- Phân công cán bộ theo dõi, triển khai công tác phòng, chống dịch tại các xã, thị trấn. Tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra về công tác phòng, chống dịch tay chân miệng trên địa bàn huyện để đôn đốc công tác phòng, chống dịch; kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các nhà trẻ nhất là các nhà trẻ tư nhân, các hộ trông trẻ tại gia đình.
- Chỉ đạo Đội Y tế dự phòng của Trung tâm Y tế huyện tăng cường việc giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bằng hóa chất diệt khuẩn theo quy định và báo cáo trong ngày về diễn biến dịch. Bố trí sẵn sàng các khu vực thu dung, cách ly, phương án tiếp nhận, vận chuyển và điều trị bệnh nhân theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng ban hành kèm theo Quyết định số 1554/QĐ-BYT ngày 19/07/2011 của Bộ tế; Tăng cường công tác kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện.
- Chỉ đạo các Trạm Y tế xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tại địa phương. Tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường; chủ trì phối hợp với các hội đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền vận động chiến dịch rửa tay bằng xà phòng với tất cả mọi người có chăm sóc trẻ.
- Phối hợp với Phòng Giáo dục đào tạo huyện tổ chức tuyên truyền cách nhận biết và phòng bệnh cho tất cả giáo viên các trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ trên địa bàn huyện. Đồng thời cung cấp hóa chất khử khuẩn (Chloramin B) cho các trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ để thực hiện khử khuẩn nguồn nước, bề mặt nền nhà, dụng cụ, đồ chơi trẻ em…
-Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch theo qui định.
2. Trạm Y tế các xã, thị trấn:
- Khẩn trương tham mưu Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn triển khai công tác phòng, chống dịch tay chân miệng tại địa phương mình; kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
- Tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường; chỉ đạo thực hiện cuộc vận động rửa tay bằng xà phòng cho tất cả các thành viên trong gia đình;
- Phối hợp Đài truyền thanh xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trên sóng phát thanh.
- Chỉ đạo y tế thôn thường xuyên tổ chức giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn, nhất là tại các trường mẫu giáo và các điểm giữ trẻ em dưới 5 tuổi. Lập danh sách trẻ em dưới 03 tuổi tại địa bàn thôn, từ đó phân công cán bộ triển khai công tác vận động, tuyên truyền đến các hộ gia đình này cách phòng, chống bệnh tay chân miệng, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
- Thực hiện chế độ báo cáo dịch theo qui định.
Tác giả bài viết: Đào Duy Quốc -VP. HĐND và UBND huyện
Ý kiến bạn đọc