Nhìn lại toàn cảnh, giai đoạn 2010- 2015, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 12,8 % và giá trị sản xuất năm 2015 tăng hơn 99% so với năm 2010. Đáng lưu ý là các doanh nghiệp huy động, mở rộng nguồn vốn đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm tiêu thụ và xuất khẩu. Toàn huyện có thêm 50 doanh nghiệp, 1860 cơ sở sản xuất, dịch vụ thành lập mới và đó là những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp.
Năm Bính Thân 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, huyện đã tích cực triển khai công tác kêu gọi đầu tư vào Cụm Công nghiệp Phước An và hiện đã có 21 cơ sở, doanh nghiệp thuê đất và 15 doanh nghiệp đang hoạt động tại Cụm. Giá trị sản xuất tại Cụm này tăng hơn 11%, chiếm tỷ trọng 28,9% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại cụm đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 1300 lao động. Cùng với tăng cường công tác khuyến công, hỗ trợ các doanh nghiệp trong đào tạo nghề, nhất là nghề may công nghiệp và một số nghề tiểu thủ công nghiệp khác, việc tạo các điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản xuất về cơ sở là một trong những giải pháp quan trọng.
Đến xã Phước Hưng, trong không khí các công nhân đang làm việc khẩn trương trong một cơ sở sản xuất mới xây dựng rộng rãi, thoáng mát, ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn may Hoàng Vinh cho biết: “Công ty nhận hợp đồng gia công may đồng phục công sở cho các công ty, xí nghiệp. So với mọi năm, năm nay khó khăn vì đơn hàng giảm xuống, lượng hàng sản xuất chỉ bằng 2/3 so với hàng năm, hơn nữa công ty buộc phải cạnh tranh đơn hàng với các công ty khác nên giá thành sản phẩm phải hạ xuống. Hiện tại công ty có hơn 100 công nhân, chia ra làm hai ca, mỗi ca sản xuất trên 50 công nhân. Mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng
Theo ông Trần Đức Học, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, trên địa bàn xã hiện có 15 cơ sở gia công may mặc xuất khẩu, 22 cơ sở đan ghế mây nhựa thu hút khoảng 250 lao động. Có thể nói, việc các công ty đưa sản xuất về địa phương đã tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho lao động địa phương trong thời gian nông nhàn, tạo thêm thu nhập, giúp họ ổn định cuộc sống.
Năm Bính Thân 2016, tuy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nhiệp còn gặp nhiều khó khăn nhưng với những giải pháp tích cực và sự năng động của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ở huyện đã tăng trưởng 10,4 %, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã xác định nhiều giải pháp quan trọng cho giai đoạn 2015- 2020 như tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh; phát triển các điểm công nghiệp ở các xã, thị trấn; phát triển các sản phẩm có thế mạnh đồng thời khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm mới có công nghệ tiên tiến, phối hợp với các ngành chức năng tỉnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án trên địa bàn, tăng cường công tác khuyến công...Cùng với kết quả khả quan của năm 2016, việc thực hiện tốt các giải pháp nêu trên chắc chắn sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tác giả bài viết: Ngô Hồng Sơn
Ý kiến bạn đọc