Bánh tráng làng Kim Tây hiện sản xuất đa dạng mẫu mã, gồm bánh nhúng bột gạo, bánh mè trắng, mè đen và bánh làm chả ram với cỡ bánh nhỏ đường kính chừng 20 cm dễ đóng gói, vận chuyển xa. Cụ Nguyễn Thị Nghị (67 tuổi), có 43 năm làm nghề tráng bánh cho biết: Điều quan trọng để sản xuất chiếc bánh ngon, ngoài chọn gạo, mè chất lượng tốt, các công đoạn ngâm ủ gạo, xay nhuyễn bằng máy, pha mè, đổ bột lên khuông, quay tay để bánh tròn đều không chỗ dày, chỗ mỏng, canh đều lửa để bánh chín nhanh, đều; sau đến công đoạn phơi không để bánh quá khô dễ cong, bể; khi nướng lên bánh phồng vàng rộm lan tỏa mùi thơm nức của gạo, của mè, ăn vừa giòn, vừa xốp.
Tết nguyên đán đang đến gần, bà con làng nghề bánh tráng Kim Tây vẫn miệt mài tráng bánh phục vụ thị trường, cũng là để tăng thu nhập, đón Tết vui hơn, chị Huỳnh Thị Hà (42 tuổi), vừa tráng và vớt bánh chín để lên vỉ, bộc bạch: “Nghề này có từ thời tui còn chưa sinh ra, khi 15 tuổi được mẹ truyền nghề tui giữ đến giờ, tráng bánh thu nhập không cao, mỗi ngày tráng 30 – 40kg gạo trừ chi phí kiếm được 120 – 150 nghìn đồng, cũng đủ chi tiêu trong gia đình”.
Thăm làng nghề bánh tráng Kim Tây những ngày tháng chạp, chúng ta sẽ bắt gặp không khí làng nghề rộn rã, người ngồi lò tráng, người phơi bánh, người gỡ bánh xếp chồng, đóng gói chở đi tiêu thụ trong những ngày Tết sắp đến.
Tác giả bài viết: Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc