Từ năm 2008 cho đến năm 2011 từ nguồn vốn bãi ngang và nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, của huyện đã đầu tư hơn 20 tỉ đồng (nguồn vốn bãi ngang 14 tỉ đồng) cho 4 xã trên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, gồm đường giao thông, cầu bê tông, chợ nông thôn, kiên cố đê kè, đúc bê tông kênh mương nội đồng, xây dựng đập dâng… đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm bớt khó khăn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, khẳng định: “Từ nguồn vốn bãi ngang đã xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng cho xã, với 6 công trình xây dựng từ năm 2008 cho đến nay đưa vào sử dụng được nhân dân đồng tình, hoan nghênh, như: công trình đường tràn thoát lũ vườn ông Học đã phục vụ tốt cho 3.000 người dân 2 thôn Phổ Trạch và Quảng Vân không còn cảnh ngập lụt kéo dài, việc đi lại của nhân dân thuận tiện hơn, hàng hóa, thủy sản được tiêu thụ dễ dàng, không còn cảnh tư thương ép giá; công trình mương thoát lũ khu dân cư dốc Cây Me thôn Liêm Thuận, trước đây cứ vào mùa mưa cả trăm hộ dân sống dọc theo chân núi Kỳ Sơn luôn thấp thỏm, lo âu nước trên núi đổ xuống tràn vào nhà, nhờ nguồn vốn bãi ngang xã cho xây dựng mương thoát nước bằng bê tông, chống xói lở, xâm thực nên không còn ngập úng, người dân đã yên tâm; công trình chợ Tân Thuận chợ đầu mối thủy sản, xã xây dựng đưa vào sử dụng năm 2011, tạo điều kiện cho nhân dân trong và ngoài vùng đến họp chợ mua bán, trao đổi”.
Cầu bê tông bắt qua kênh tiêu TX1 được xã Phước Thắng xây dựng đưa vào sử dụng năm 2010 bằng nguồn vốn bãi ngang của Chính Phủ
Ở xã Phước Hòa, các công trình bãi ngang cũng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cuộc sống của người dân nơi đây. Từ năm 2008 cho đến nay, xã đã đầu tư hơn 4,8 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn bãi ngang 3,5 tỉ đồng, còn lại vốn từ ngân sách xã và nhân dân vùng hưởng lợi đóng góp, địa phương đã xây dựng 5 công trình, gồm: bê tông 2 km đường giao thông nông thôn ở thôn Huỳnh Giản Bắc phục vụ đi lại cho gần 3.500 người dân trong thôn; xây dựng bờ bạn Thương Kim Đông và bê tông 3,7 km kênh mương nội đồng các thôn Tân Mỹ, Bình Lâm, Kim Đông, Tân Giản, Tùng Giản, Kim Xuyên bảo đảm nước tưới cho trên 330 ha. Hiện các công trình bãi ngang đưa vào sử dụng góp phần từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Bình một người dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc phấn khởi, bộc bạch: “Cứ triều cường là các tuyến đường giao thông ngập chìm trong nước biển, trước năm 2009 việc đi lại giữa xóm Huỳnh Nam – Huỳnh Bắc khó khăn, vất vả, đường đất sình lầy. Năm 2009 từ nguồn vốn của Chính phủ hổ trợ xã bãi ngang xây dựng công trình, đúc đường bê tông, bà con phấn khởi, không nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, mà còn hiến 2.000m2 đất làm đường”.
Hai xã Phước Sơn và Phước Thắng bà con nông dân cũng vui mừng không kém, với nguồn vốn bãi ngang đã đầu tư xây dựng đường vào các làng nghề, xây dựng các chợ nông thôn, làm cầu bê tông, tạo bộ mặt nông thôn khởi sắc. Ông Nguyễn văn An, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết: “Xã nằm ở vùng trũng khó khăn nhất là giao thông đi lại, 4 năm qua địa phương đã đầu tư trên 4 tỉ đồng (nguồn vốn bãi ngang 3,5 tỉ đồng) xây dựng 7 công trình. Gồm: đúc bê tông 2 km đường và xây dựng 2 cầu bảng bằng bê tông cốt thép qua sông tiêu TX1 giúp cho nhân dân đi lại phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.
Tuy nhiên, trên thực tế các xã bãi ngang ở huyện Tuy Phước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các tuyến đê sông, đê biển chưa đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nên nguy cơ vỡ đê cao trong mùa lũ, một số xã khó khăn về nguồn thu không có kinh phí xây dựng trụ sở thôn làm nơi sinh hoạt hội họp cho nhân dân nên thời gian tới cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của nhà nước.
Tác giả bài viết: Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc