Do thiếu vốn đầu tư nên những năm qua đê Sông Gò Chàm chỉ đầu tư theo kiểu chắp vá “nóng đâu phủi đấy”. Vì thế hệ thống đê vẫn nằm trong tình trạng mất an toàn sạt lở trên từng cây số. Mãi đến năm 2005 đê sông Gò Chàm mới chính thức được đưa vào danh mục đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu của Chính phủ và của tỉnh cho việc chống sạt lở đê sông, cộng với nguồn vốn từ ngân sách địa phương, hai huyện đã bố trí kinh phí đầu tư hàng chục tỉ đồng kiên cố hoá tuyến đê 2 bên bờ sông Gò Chàm từ năm 2005 cho đến nay cả chục km, riêng huyện Tuy Phước đã kiên cố hơn 8 km.
Tràn phía hạ lưu đập dâng Hạ Bạc phát huy tác dụng tiêu thoát lũ chống sa bồi thủy phá đồng ruộng
Chỉ trong 3 năm 2009 – 2011 đê sông Gò Chàm do huyện Tuy Phước quản lý đã được đầu tư hơn 19,7 tỉ đồng, kiên cố gần 2,6 km đê sông phía thượng, hạ lưu đập dâng Hạ Bạc thuộc xã Phước Quang, Phước Thắng, Phước Hoà và xã Phước Hưng, gồm: đê Kim Xuyên xã Phước Hoà và đê tràn Hạ Bạc dài 580 mét, kết hợp nâng cấp cao trình tràn Kim Xuyên và xây mới tràn phân lũ hạ lưu đập dâng Hạ Bạc với kinh phí 6,5 tỉ đồng; đê thượng lưu Hạ Bạc, xã Phước Quang chiều dài 994 mét, kinh phí 4,7 tỉ đồng; đê hạ lưu đập dâng Hạ Bạc xã Phước Hoà – Phước Quang, chiều dài 575 mét, kinh phí trên 7 tỉ đồng; đê Vườn Thọ, chiều dài 268 mét kinh phí hơn 1 tỉ đồng và đê hạ lưu cầu Háo Lễ đều nằm trên địa bàn xã Phước Hưng, kinh phí 440 triệu đồng…
Ông Trần Văn An, Trưởng thôn Kim Xuyên, cho biết: “Thôn Kim Xuyên chúng tôi nằm ở vùng trũng thấp nên chịu nhiều thiệt hại khi mùa lũ về. Trong số ruộng sa bồi thuỷ phá của cả xã Phước Hoà thì thôn Kim Xuyên chiếm tới 2/3 (30 ha luôn bị cát bồi dày không thể sản xuất được), hàng năm ngoài nhận sự trợ cấp lương thực, nhà nước còn đầu tư hàng chục triệu đồng san ủi để có đất cho dân sản xuất, nhưng năm sau lũ về cũng đâu vào đấy. Hơn 2 năm nay, việc nâng cấp tràn Kim Xuyên, xây dựng mới tràn phân lũ Hạ Bạc và nâng cấp toàn tuyến đê Kim Xuyên nằm trong hệ thống đê sông Gò Chàm nên không còn cảnh sa bồi thuỷ phá đồng ruộng nữa, bây giờ bà con rất phấn khởi, yên tâm”. Còn ông Nguyễn Văn Bằng, ở thôn An Hoà, xã Phước Quang, bộc bạch: “Cứ đến mùa lũ là bà con trong thôn nơm nớp lo sợ đê sông Gò Chàm vỡ. Năm 2010 và 2011 nhà nước cho thi công nâng cấp 994 mét đê sông bờ tả và bờ hữu phía thượng lưu đập dâng Hạ Bạc, mái đê lát tấm bê tông dày khá chắc chắn hoàn thành sau Tết Tân Mão và tháng 8 vừa rồi tuyến đê hạ lưu Hạ Bạc xã Phước Quang và Phước Hoà cũng xây dựng xong ai ai cũng vui mừng”.
Đê sông Gò Chàm đã và đang được nhà nước đầu tư kiên cố hoá đã đem lại niềm vui cho hàng trăm hộ dân sống ven đê. Ông Nguyễn Công Toàn, cán bộ phụ trách văn phòng UBND xã Phước Hưng, cho biết: Tuyến đê sông Gò Chàm qua địa bàn xã chúng tôi dài 10 km, đã có 6 km được kiên cố, đem lại lợi ích cho nhân dân địa phương rất lớn. Tuy nhiên, ngoài các đoạn đê xung yếu đã được nâng cấp xong, hiện tại vẫn còn 2 đoạn đê xung yếu cũng bị xâm thực nặng, mặt đê có đoạn chỉ còn 0,5 mét, đó là đoạn đê hạ lưu cống xả lũ thôn Biểu Chánh có chiều dài 50 mét và đoạn đê thượng và hạ lưu cầu Bảy Bính, thôn Nho Lâm có chiều dài khoảng 350 mét đang chờ được tu bổ, nâng cấp.
Tác giả bài viết: Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc