Chị trao đổi, kỹ thuật nuôi và chăm sóc không có gì khó khăn: Hàng ngày, vào buổi sáng, chị mở hệ thống âm thanh tự động chiêu dụ yến từ 5 h đến 19 h hàng ngày. Hệ thống phun sương, làm ẩm bên trong nhà yến cũng tự động hóa. Khi phân chim tích tụ nhiều phải dọn để đảm bảo vệ sinh. Lượng điện tiêu thụ không đáng kể. Chị cho biết, sau khi xây xong chim đến “thăm tổ” ngay và sau khoảng 4,5 tháng thì làm tổ, đến năm sau, năm 2013, đã có thu hoạch tuy lượng tổ thu về còn ít; 3 năm sau, yến cho bắt đầu thu hoạch đều.
Ban đầu mẹ chị phản đối vì lượng tiền đầu tư xây nhà yến quá lớn so với khả năng của gia đình, nhưng vì thấy nhiều chim bay tìm mồi ở khu vực nhà chị ở, tin rằng sẽ thành công nên chị đã nhiều lần thuyết phục và được mẹ đồng ý.
Hiện nay mỗi tháng thu được từ 2 đến 3 gram tổ chim yến thành phẩm, cho thu nhập từ 6- 7 triệu đồng theo giá hiện tại. Tổ yến thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Từ thời điểm này trở đi, lượng tổ thu hoạch được sẽ tăng lên theo thời gian vì số lượng chim bên ngoài vào làm tổ ngày một tăng thêm và đàn chim đã làm tổ trong nhà yến sinh sôi, này nở, chị chia sẻ.
Chim yến làm tổ trong nhà yến của chị Lo
Hiện nay trên địa bàn Tuy Phước có khoảng 60 đến 70 nhà yến đã xây dựng tập trung ở các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Nghĩa và thị trấn Tuy Phước. Các nhà yến tập trung với số lượng nhiều dọc đê khu Đông. Có nhiều nhà yến xây dựng quy mô 3-4 tầng với nguồn vốn đầu tư lớn. Đáng lưu ý là có khá nhiều nhà yến xây dựng xen lẫn trong các khu dân cư.
Theo ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết hiện nay ở địa phương có 8 nhà nuôi yến tập trung ở các thôn Vinh Quang 2 (5 nhà yến), Phụng Sơn, Kỳ Sơn và Mỹ Cang, trong đó có nhiều hộ có thu nhập cao. Những năm gần đây việc đầu tư nuôi yến có xu hướng phát triển. Đến thời điểm hiện nay chưa thấy xuất hiện dịch bệnh liên quan đến các nhà yến.
Ông Lê Công Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa cho biết, trên địa bàn xã vừa có 01 hộ xây nhà nuôi yến mới, và hiện nay toàn xã có 7 hộ nuôi chim ở các thôn Huỳnh Mai, Hưng Nghĩa và Thọ Nghĩa, 4 hộ trong số đó đã có thu nhập cao. Vì thu nhập cao và là nghề mới, nên xã khuyến khích để phát triển kinh tế xã nhà theo yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiện nay.
Anh Dương Lê Hoàng, người đã có 6 năm nhận thầu xây nhà yến và chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi yến, cho biết khí hậu, thời tiết ở Tuy Phước rất thuận lợi cho nghề nuôi yến vì khí hậu ở đây có đặc điểm giống như khí hậu từ khu vực phía nam đèo Hải Vân trở vào phía nam là biên độ nhiệt độ không giao động mạnh nên chim yến không bị chết do thay đổi khí hậu và môi trường. Hơn nữa, các đảo yến ở Bình Định cung cấp nguồn giống tự nhiên “vô hạn và miễn phí” cho người nuôi và đây cũng là một yếu tố thuận lợi cho người đầu tư nuôi yến. Ngoài ra, chất lượng tổ yến ở Bình Định thuộc loại cao nên người nuôi an tâm cho đầu ra của thành phẩm.
Tuy nhiên, từ thực trạng nuôi yến ở Tuy Phước có thể thấy đây là xu hướng đầu tư tự phát, chưa theo quy hoạch. Người nuôi yến rất cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học, quản lý giúp giải quyết các vấn đề như chọn địa điểm để đảm bảo số lượng chim làm tổ nhiều nhất, theo dõi, xử lý dịch bệnh, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ để tránh hiện tượng cung vượt cầu..., đảm bảo cho sự đầu tư có hiệu quả vì nguồn đầu tư xây dựng nhà yến rất lớn.
Tác giả bài viết: Ngô Hồng Sơn
Ý kiến bạn đọc