Trong năm 2012, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng 4 mô hình “Canh tác lúa bền vững” tại các xã Phước Thắng, Phước Lộc, Phước Sơn, Phước Thuận với quy mô 122 ha/512 hộ (vụ Đông xuân 50 ha, vụ thu 72 ha).Kết quả ruộng mô hình vượt trội về năng suất(vụ Đông xuân 82,5 tạ/ha, vụ thu 67,3 tạ/ha) cao hơn ruộng ngoài mô hình từ 4 – 4,5 tạ/ha, giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, đạt hiệu quả tích cực về mặt xã hội và hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích.
Với kết quả đạt được từ mô hình năm 2012, thực hiện ý kiến chỉ dạo của UBND tỉnh, vụ Đông xuân 2012 -2013 UBND huyện Tuy Phước quyết định ban hành kế hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho cây lúa mở rộng diện tích lên đến 552 ha/3.095 hộ/13 cánh đồng tại 06 xã Phước Hưng, Phước Quang, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Nghĩa, Phước Lộc. Với mục tiêu thực hiện đồng bộ quy trình kỹ thuật tiên tiến từ khâu giống, làm đất, chăm sóc, quản lý đến khâu thu hoạch. Hình thành được vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân để có sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa nhằm tăng thu nhập cho người dân; tạo được cơ sở sản xuất giống lúa tập trung tại các hợp tác xã nông nghiệp và qua đó rút ngắn khoảngchênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng, gia tăng chất lượng lúa, gạo.
Yêu cầu cánh đồng mẫu lớn phải đảm bảo các tiêu chí: Thuộc diện tích quy hoạch vùng sản xuất lúa, đảm bảo các điều kiện thâm canh, phù hợp với quy hoạch chung; người dân tự nguyện tham gia sản xuất với sự quản lý chung của HTXNN. HTXNN làm dịch vụ và là đầu mối tiếp nhận và cung ứng các dịch vụ đầu vào và đầu ra của mô hình; phải có quy mô từ 30 ha trở lên; phải có doanh nghiệp tham gia phối hợp để cung ứng các dịch vụ theo hướng có lợi nhất cho người nông dân. Ưu tiên phát triển các giống lúa chất lượng, các sản phẩm sinh học, công nghệ cao…; Tổng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích phải đạt hiệu quả kinh tế cao hơn ngoài mô hình.
Với quyết tâm cao nhất, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác Cánh đồng mẫu lớn và chỉ đạo sát sao, xuyên suốt từ huyện đến cơ sở, quy hoạch vùng, tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của nông dân tham gia, đồng thời chi 461 triệu đồng hỗ trợ kinh phí tập huấn kỹ thuật canh tác lúa bền vững, công cụ sạ hàng với định mức 5 ha/công cụ, xe phun xịt thuốc 1 xe/HTX, Hợp Trí Super Humic 1 gói 250gr/sào. Tìm kiếm, chọn lựa những doanh nghiệp đủ năng lực, có uy tín để tham gia cung ứng các dịch vụ đầu vào và đầu ra cho cánh đồng mẫu lớn, hiện có 7 doanh ngiệp tham gia, bao gồm dịch vụ giống 3 doanh nghiệp (Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung Ương, Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam), dịch vụ phân bón có 3 doanh nghiệp tham gia (Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định, Công ty cổ phần phân bón và DVTH Bình Định, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền) và Công ty TNHH Hóa Nông Hợp Trí cung ứng thuốc Bảo vệ thực vật với phương thức cho mượn toàn bộ sản phẩm đến cuối vụ thu hồi không tính lãi và HTX Nông nghiệp là chủ thể tiếp nhận và cung ứng trực tiếp cho người nông dân.
Như vậy khi tham gia Cánh đồng mẫu lớn, nông dân được cung ứng đầy đủ và thuận lợi các dịch vụ để thực hiện một cách đồng bộ theo chương trình 03 giảm – 03 tăng: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Đồng chí Trần Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm Cánh đồng mẫu lớn Tuy Phước
Nhìn cánh đồng sau sạ 20-25 ngày với diện tích sạ hàng chiếm 83,3% (460/552 ha) lúa được sạ thẳng hàng, thẳng lối, lúa đang giai đoạn đẻ nhánh và được hỗ trợ dinh dưỡng tốt ngay từ đầu thông qua việc sử dụng sản phẩm Hợp trí Super Humic để bổ sung mùn hữu cơ, giải độc phèn, ngộ độc hữu cơ nên cây lúa sinh trưởng khỏe, đẻ nhánh tốt, dãnh lúa to, đồng lúa xanh mơn mởm, chúng tôi tin tưởng rằng cùng với sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị tiếp tục chỉ đạo sâu sát từ huyện đến địa phương, sự tham gia đầy đủ của các doanh ngiệp nhất là sự đồng thuận và ứng dụng đầy đủ, đồng bộ các giải pháp kỹ thuật theo quy trình của nông dân. Cánh đồng mẫu lớn của Tuy Phước sẽ đem lại kết quả trên tất cả các mặt: xã hội, môi trường, kinh tế…và là điểm sáng của ngành nông nghiệp trong vụ sản xuất Đông xuân 2012-2013. Và cũng là tiền đề hướng tới cộng đồng canh tác lúa bền vững./.
Tác giả bài viết: Võ Trùng Dương, Trạm Khuyến nông huyện
Ý kiến bạn đọc