Hàng trăm lao động sử dụng ghe máy, sõng nan, sõng tôn trang bị đèn sạt điện, vợt lưới ra đầm vớt sứa từ lúc nửa đêm hôm trước kéo dài cho đến sáng hôm sau mới về bến, trên ghe, sõng đầy ắp những thùng sứa. Tiếng cười, nói râm rang, tiếng gọi nhau í ới tạo nên một không gian sống động, trên gương mặt ai ai cũng rạng rỡ niềm vui đầy mãn nguyện với thành quả thu được sau một đêm vớt sứa đầy mệt nhọc.
Sứa vớt về đem đổ vào hầm rộng 2 – 4 m2, bên dưới có lót tấm nhựa trắng tránh nước thẩm thấu vào trong đất, việc chế biến sứa thành phẩm cũng bắt đầu, chân sứa được cắt bỏ riêng (gọi là sứa chân), còn mình sứa cắt nhỏ từng miếng (gọi là sứa tai) và bán cho các thương lái đợi sẵn với giá 50 nghìn đồng/kg sứa chân và 10 nghìn đồng/kg sứa tai. Sứa được các thương lái mua chở đi tiêu thụ các chợ và chở bán lên tận Tây Nguyên.
Theo người dân địa phương, sứa đã mang lại nguồn thu nhập khá, mỗi ngày một lao động dùng sõng đi vớt sứa về chế biến bán thu nhập không dưới 300 nghìn đồng. Anh Lê Văn Ánh (37 tuổi, ở thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước – Bình Định) đang cùng người nhà cắt sứa, vui vẻ, bộc bạch: “Tối con sứa nó mới nổi, nên đêm xuống mặt đầm lấp lánh ánh đèn pin rọi tìm sứa để vớt, đông người vui lắm. Tôi vớt sứa bằng ghe máy nên thu nhập kha khá, với 3 lao động mỗi đêm trừ tiền dầu chia mỗi người hơn 500 nghìn đồng, nếu vớt sứa trúng luồng còn thu nhập cao hơn”.
Thời gian thu hoạch sứa kéo dài cho đến tháng 3 âm lịch và chỉ khi có mưa dông sứa sẽ hết xuất hiện. Sứa là món ăn đặc sản rất được người tiêu dùng ưa chuộng với món sứa trộn ngó sen, bình dân hơn món bún sứa. Sứa chấm với nước mắm gừng trộn đậu phộng, gém với rau thơm là món ăn rất được nhiều người ưa thích, vì thế sứa bán rất được giá và sứa chỉ xuất hiện thường mỗi năm một lần ở vùng đầm Thị Nại trong tiết trời nắng ấm của mùa xuân
Tác giả bài viết: Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc