Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Cả xã Phước Hưng có 35 hộ chuyên trồng rau bán quanh năm trên diện tích 12ha ( mỗi ha 10.000 m2) ruộng chân cao, sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng rau diếp cá và rau răm, thu hoạch quanh năm bán thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh. Tính ra mỗi ha trồng rau diếp cá và rau răm có thu nhập từ 300 triệu đồng đến 480 triệu đồng/ ha, trong khi trồng lúa chỉ đạt khoảng 300 kg/ sào x 2 vụ/ năm, mang lại giá trị thu nhập chỉ 36 triệu đồng/ ha/ năm mà chi phí bỏ ra cao do bơm tưới suốt vụ, nên nhiều năm qua bà con tiếp tục mở rộng diện tích và đầu tư sản xuất theo hướng trồng rau hữu cơ, hạn chế hoặc nói không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong năm 2022, Hội Nông dân xã phối hợp ngành chức năng mở được 1 lớp trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap cho 100% hộ chuyên trồng rau bán và đã cấp giấy chứng nhận cho từng cá nhân.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở thôn Quảng nghiệp, có thâm niên 17 năm trồng rau, chia sẻ: Lúc đầu tôi trồng chỉ 6 – 7 sào (1 sào = 500 m2), thấy thu lợi nhuận cũng được nên thuê thêm đất trả bằng lúa 250 kg/sào/ năm, hiện tôi chuyên trồng rau răm diện tích 1 ha, mỗi tháng thu hoạch 1 lần, có lúc rau bán 10 – 12 ngàn đồng/ kg và cũng có khi giá rau xuống thấp 6 ngàn đồng/ kg, cộng cả năm 1 ha tôi thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Còn anh Lê Thanh Hùng (48 tuổi) cùng ngụ thôn Quảng Nghiệp, cũng sản xuất 1 ha, nhưng chuyên trồng rau diếp cá, cho biết: Rau diếp cá dễ trồng, không có sâu bệnh, cứ 45 ngày tui thu hoạch 1 lần (8 lứa/ 1 năm), tổng thu khoảng 480 triệu, trừ hết chi phí thuê đất, làm nhà lưới, phân bón tôi thu nhập gần 265 triệu đồng.
Theo ông Lê Văn Thu, Trưởng thôn Quảng Nghiệp, cả xã có 35 hộ chuyên trồng rau thì riêng thôn tôi đã có 32 hộ, trồng với diện tích 10 ha (hộ trồng ít nhất 3 sào, nhiều 1 ha), ai trồng rau cũng đều có cuộc sống ổn định. Việc trồng rau được xem là nghề phụ, nhưng hiện tại lại cho thu nhập chính, tuy nhiên nghề trồng rau còn mang tính tự phát, diện tích manh mún, mạnh ai nấy tự trồng. Về lâu dài mong muốn của bà con trồng rau là UBND xã nên quy hoạch diện tích trồng rau theo vùng, chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGap, xây dựng thương hiệu rau Phước Hưng, tiến tới thành lập Hợp tác xã rau, đăng ký cấp mã vùng, cùng nhau khai thác khách hàng với “4 chung”: Chung kỹ thuật, chung giống rau trồng, chung giá bán, chung lợi nhuận./.