Trường THCS số 1 Phước Sơn nằm ở khu vực nông thôn, hoàn cảnh kinh tế con nhiều khó khăn. Năm học 2008 – 2009 Trường có 54 học sinh( HS) bỏ học( bỏ học trong năm học và trong hè), tỷ lệ 3,74% . Tiếp đến, năm học 2009 – 2010, toàn trường lại có 32 HS bỏ học, tỷ lệ 2,92%. Đây là thực tế đặt ra vì HS bỏ học ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình, xã hội và chính bản thân HS trong xu thế kiến thức đang và sẽ hết sức cần thiết cho việc lập thân, lập nghiệp của con người trong xã hội hiện nay và tương lai. Đó là chưa kể đến các vấn đề xã hội như tội phạm, tại tệ nạn xã hội liên quan đến đối tượng HS này.
Trước thực tế đó, giải pháp nào để giảm thiểu tối đa HS bỏ học là vấn đề đặt ra đối với Ban giám hiệu nhà trường trong năm học 2010 - 2011!
Để có giải pháp đúng, việc xác định nguyên nhân bỏ học là hết sức cần thiết. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, HS bỏ học có các nguyên nhân như ham chơi, lười học, kiến thức các bộ môn thiếu căn bản, năng lực học tập yếu kém, ở lại lớp và cuối cùng dẫn đến chán rồi bỏ học; một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế nên chỉ lo làm ăn, ít quan tâm đến việc học hành của con cái; một số giáo viên bộ môn dạy chưa sát đối tượng, nhất là đối với HS yếu kém; địa phương chưa có biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế HS bỏ học đến chơi game ở các điểm dịch vụ internet.
Theo thầy Trần Quốc Ẩn, Hiệu trưởng nhà trường, việc xác định nguyên nhân như vậy chính là cơ sở để nhà trường triển khai các biện pháp thích hợp hạn chế, ngăn ngừa HS bỏ học. Vì học lực yếu kém là nguyên nhân cơ bản nên trước tiên nhà trường tập trung các giải pháp để bổ sung, nâng cao kiến thức cho đối tượng HS này. Sau khi tổ chức kiểm tra chất lượng từ đầu năm, xác định chính xác số lượng HS yếu kém, có nguy cơ bỏ học từ đầu năm học, nhà trường tổ chức các lớp phụ đạo miễn phí cho đối tượng này song song với kiểm định chất lượng HS theo từng công đọan là dạy kiến thức nào thì kiểm tra, đánh giá ngay chất lượng kiến thức đó, Ban Giám hiệu cũng tăng cường dự giờ các lớp phụ đạo. Cũng hướng đến đối tượng này, Ban Giám hiệu yêu cầu các giáo viên bộ môn đã điều chỉnh phong cách, phương pháp dạy học phù hợp với mức độ nhận thức của học sinh yếu kém để kích thích động cơ, tinh thần học tập của các em. Việc trang bị kiến thức cho học sinh thi lại trong hè cũng được Ban Giám hiệu và giáo viên chuẩn bị chu đáo thông qua đề cương ôn tập phù hợp với thực lực của học sinh, kích thích sự chủ động, tích cực của học sinh, giảm được tỷ lệ học sinh lưu ban, ngăn ngừa học sinh bỏ học trong hè. Ngoài ra, việc phân công học sinh khá giỏi kèm cặp học sinh yếu kém cũng là biện pháp hiệu quả trong thực tế.
Cùng với giải pháp chuyên môn, việc động viên, thuyết phục cũng là vấn đề quan tâm của nhà trường. Trong tiết sinh hoạt lớp cuối tuần, giáo viên chủ nhiệm lớp dành 15 phút để gặp gỡ, động viên tinh thần đối với HS yếu kém, đồng thời lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của các em để có biện pháp hỗ trợ các em trong học tập. Cuối học kỳ I, Ban Giám hiệu tổ chức gặp gỡ với học sinh yếu kém để trao đổi, động viên, tạo niềm tin cho các em vươn lên trong học tập, xóa bỏ thái độ tự ti của các em. Cũng vào đầu học kỳ II, Nhà trường tổ chức Hội nghị để trao đổi, thông tin đến các phụ huynh có con em học lực yếu kém, có nguy cơ bỏ học để phụ huynh có biện pháp hỗ trợ cùng nhà trường. Đối với học sinh bỏ học, nếu giáo viên chủ nhiệm thuyết phục học sinh trở lại chưa được, nhà trường tổ chức đoàn đến nhà thuyết phục; nếu vẫn chưa được, nhà trường báo cáo và chính quyền địa phương cử các hội, đoàn thể đến nhà động viên, thuyết phục học sinh trở lại trường.
Đối với diện học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà trường lập danh sách tham mưu UBND xã, Hội Khuyến học xã hỗ trợ kinh phí cho đối tượng này. Trong năm học vừa qua, UBND xã, Hội khuyến học xã vận động được hơn 40 triệu đồng và hỗ trợ 12 xuất học bỗng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, hỗ trợ 3 xe đạp, 12 bộ đồng phục và rất nhiều đồ dùng học tập, tập vở cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Đối với HS ham chơi game, ảnh hưởng đến việc học tập, nhà trường tham mưu UBND xã văn bản và UBND xã đã nhắc nhở thường xuyên các điểm dịch vụ internet đã có cam kết với chính quyền về việc không thu nhận HS học sinh bỏ học đến chơi game online trong giờ học.
Những giải pháp đồng bộ mà Nhà trường đã triển khai trong năm học 2010 – 2011 vừa qua đã có hiệu quả trong thực tế. Về mục đích và kết quả của công tác ngăn ngừa HS bỏ học đạt được, ông Trần Ngọc Ẩn cho biết : “ Nhà trường quan tâm đến đối tượng HS bỏ học và có nguy cơ bỏ học vì thực hiện lời dạy của Bác Hồ là ai cũng được đi học, đồng thời cũng là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước , ngoài ra còn là trách nhiệm của người đi trước đối với thế hệ trẻ, góp phần nâng cao dân trí , đào tạo công dân có ích cho xã hội , chia xẻ với xã hội việc ngăn ngừa tội phạm trong thanh thiếu niên không có điều kiện đến trường. Sau một năm thực hiện hiệu quả các giải pháp, toàn trường chỉ có 4 HS bỏ học trong tổng số 1018 HS, giảm rất nhiều so với năm học trước đó”
Từ kết quả thực tế của Trường THCS số 1 xã Phước Sơn, điều có thể rút ra là nếu kết hợp tốt giữa ba môi trường gồm nhà trường, gia đình và xã hội thì việc ngăn ngừa học sinh bỏ học hoàn toàn là bài toán có thể giải quyết.
Tác giả bài viết: Ngô Hồng Sơn
Ý kiến bạn đọc