Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 là kết quả những cố gắng không mệt mỏi của Nhà nước và Quốc hội về vấn đề tôn giáo nói riêng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta nói chung. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, bám sát tinh thần của Hiến pháp năm 2013; quán triệt sâu sắc và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo, phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo,... Đây là lần đầu tiên, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được luật hóa một cách cụ thể, đầy đủ thành một chế định riêng và có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ban hành năm 2004.
Đ/c Trần Hữu Tường- Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trần Hữu Tường- Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tập trung lắng nghe, trao đổi, nghiên cứu những nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để phổ biến đến đông đảo tín đồ các tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn, thực hiện quyền và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật, tổ chức sinh hoạt tôn giáo theo đúng tôn chỉ, mục đích và tích cực phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo mình, thực hiện tốt phương châm "gắn bó, đồng hành cùng dân tộc" để góp phần xây dựng quê hương Tuy Phước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Theo Kế hoạch, buổi chiều cùng ngày, UBND huyện tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, ngành, Mặt trận, Hội-đoàn thể cấp huyện, xã, thị trấn nhằm trang bị kiến thức cơ bản đối với cán bộ, công chức ở các địa phương nắm bắt về đặc điểm các tôn giáo, quan điểm chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tôn giáo góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
Tác giả bài viết: Duy Quốc
Ý kiến bạn đọc