Đến nay nhân lực hoạt động trong lĩnh vực y dược cổ truyền tại các cơ sở y tế công lập tăng lên 18 người, trong đó có 2 y sĩ y học cổ truyền, 14 y sĩ đa khoa định hướng y học cổ truyền và 2 lương y, ngoài ra Hội đông y của huyện được thành lập với 60 hội viên và có 14 người hành nghề y dược tư nhân chủ yếu là lương y thừa kế, tăng gấp 4 lần so với năm 2003. Mạng lưới hoạt động y dược cổ truyền của huyện từng bước được củng cố và mở rộng đáp ứng nhu cầu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Tại Trung tâm Y tế huyện có phòng khám y học cổ truyền với 8 giường bệnh, có vườn thuốc nam, được trang bị đầy đủ phương tiện khám điều trị như máy điện châm, đèn hồng ngoại…riêng phòng vật lý trị liệu được trang bị máy tập đa năng, hệ thống kéo ròng rọc, thanh song song, xe đạp tập, máy xoa bóp đảm bảo điều kiện điều trị bệnh nhân tại tuyến huyện. Đối với tuyến cơ sở từ năm 2003 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã cử 10 y sĩ tuyến xã đi học lớp định hướng y học cổ truyền do tỉnh tổ chức nên đến nay 13 trạm y tế xã , thị trấn đều có cán bộ làm công tác khám và điều trị bằng y dược cổ truyền đáp ứng đủ yêu cầu xã chuẩn Quốc gia về y tế, nổi bậc có 3 xã được công nhận là xã tiên tiến y học cổ truyền là Phước Hưng, Phước Hiệp và Phước Nghĩa
Nhờ sự tập trung đầu tư đúng mức nên những năm gần đây công tác khám và điều trị bằng y học cổ truyền đã thu hút đông đảo nhân dân đến khám và chữa bệnh năm sau cao hơn năm trước, chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay có hơn 3.300 lượt bệnh nhân đếm khám, trong đó tại tuyến huyện có gần 500 bệnh nhân điều trị nội trú, tuyến xã, thị trấn có hơn 10.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Cùng với việc mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, hằng năm Hội đông y của huyện đều tổ chức hội nghị thừa kế để khuyến khích các lương y trên địa bàn huyện sưu tầm, cống hiến các bài thuốc tâm đắc, các kinh nghiệm hay trong chẩn đoán và điều trị, thông qua hội nghị thừa kế, đến nay hội đông y huyện đã có 40 bài thuốc tâm đắc xuất phát từ thực tiễn khám chữa bệnh tại các cơ sở được phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong ngành đông y của huyện.
Nhìn chung chất lượng công tác khám chữa bệnh y dược cổ truyền trên địa bàn huyện Tuy Phước có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần chăm sóc tốt sức khoẻ nhân dân, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại như đội ngũ cán bộ y học cổ truyền còn thiếu, trang thiết bị khám và chữa bệnh thiếu chưa đáp ứng so với yêu cầu, chỉ tiêu giường bệnh đạt còn thấp, công tác xã hội hoá y dược cổ truyền chưa được đẩy mạnh .
Trước tình hình trên, huyện Tuy Phước đã đề ra kế hoạch hành động phát triển y, dược cổ truyền của huyện đến năm 2020, với mục tiêu là hiện đại hoá và phát triển y dược cổ truyền trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong huyện. Theo đó, từ nay đến năm 2020 huyện ta sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị thành lập khoa y học cổ truyền tại Trung tâm y tế huyện, 100% Trạm y tế và Trung tâm Y tế huyện có vườn thuốc Nam mẫu, có đủ số cây thuốc theo qui định. Về chỉ tiêu khám chữa bệnh từ nay đến năm 2015 tại tuyến huyện phấn đấu đạt từ 10 đến 15%, tuyến xã đạt từ 25 đến 30% điều trị bằng y dược cổ truyền so với khám chữa bệnh chung trong toàn huyện.
Tác giả bài viết: Thanh Nghiêm
Ý kiến bạn đọc