Từ thực tế đó, trong vụ Đông Xuân 2013-2014, được sự hỗ trợ 42% từ tổ chức SNV và 28% của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Bình Định, Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Phước Hưng đã đầu tư thêm 30% kinh phí để mua chiếc máy cuốn rơm trị giá 150 triệu đồng về làm dịch vụ cho bà con nông dân trong xã, đây là máy cuốn rơm đầu tiên của huyện Tuy Phước. Được biết, một sào ruộng máy sẽ cuốn được 10 cuộn rơm và một cuộn rơm có đường kính (500mm); dài (700mm) và có trọng lượng bình quân từ 12 kg đến 15 kg tùy loại rơm khô hay ướt, rất dễ vận chuyển, bốc dỡ và bảo quản, tiết kiệm rất nhiều sức lực và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Ông Trần Tăng Long, Chủ nhiệm HTXNN Phước Hưng, cho biết: Vụ Đông Xuân 2013-2014, khi mới đưa máy cuốn rơm đi vào sử dụng, HTX đã tiến hành thực hiện thu gom rơm trên diện tích 1 ha, máy cuốn được 200 cuộn rơm, bán với giá 30.000 đồng/cuộn, thu về 6 triệu đồng. Do đây là vụ đầu tiên vừa tập huấn kỹ thuật, vừa thực hành, hơn nữa chưa có kinh nghiệm về phát triển thị trường nên lượng rơm thu gom chưa nhiều, giá bán chưa cao.
Tiếp đến ở vụ Thu, điều kiện thời tiết mưa giông rải rác nhiều nơi nên công tác thu mua gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ đầu ra còn hạn chế vì còn nhiều người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng nhưng chưa biết đến, chưa có nơi tích trữ rơm rạ qua vụ nên phần nào cũng gây khó khăn trong quá trình thu mua. Do chỉ có 01 máy cuốn rơm nên công việc thu gom rơm không kịp thời, rất nhiều hộ nông dân dù đã đồng ý bán rơm cho HTX nhưng vì phải chờ đợi lâu nên đã bán rơm cho người khác làm cho kế hoạch thu mua của HTX bị xáo trộn, hiệu quả đạt được không cao vì diện tích thu mua không được nhiều.
Mặc dù vậy, trong vụ Thu năm 2014, HTXNN Phước Hưng đã tiến hành thực hiện thu gom rơm trên diện tích 15 ha, ở địa bàn 2 xã Phước Sơn, Phước Hưng của huyện Tuy Phước và xã Nhơn An (thị xã An Nhơn). Trong đó, HTX thu mua rơm tại ruộng của bà con nông dân với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng/ sào. Sau khi cuốn rơm xong, mỗi cuộn rơm sẽ được HTX bán lại cho những người có nhu cầu làm nấm rơm hay chăn nuôi bò với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/ cuộn và trừ các chi phí: xăng dầu, dây cuộn, bốc vác và vận chuyển,...HTX đã thu về lãi ròng hơn 1 triệu đồng/ha.
Hiện nay, sản phẩm rơm cuộn của HTXNN Phước Hưng không chỉ cung cấp cho địa bàn huyện Tuy Phước mà còn cho các địa phương khác, như: xã Phước Mỹ (thành phố Quy Nhơn); huyện Vân Canh và một phần của huyện Phù Cát. Bên cạnh việc kinh doanh, HTXNN Phước Hưng, còn dùng sản phẩm rơm cuộn của mình để hỗ trợ cho bà con nhân địa phương trong xã nhân rộng mô hình làm nấm rơm góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, giảm ô nhiễm môi trường. Đây cũng là cơ sở để HTXNN Phước Hưng chuẩn bị đầu tư mua thêm một máy cuốn rơm thứ 2 nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời gian sắp đến như lời ông Trần Tăng Long, Chủ nhiệm HTXNN Phước Hưng đã chia sẻ ./.
Tác giả bài viết: Xuân Vinh
Ý kiến bạn đọc