Theo ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã, thì qua 9 năm (2006-2014) thực hiện dự án WB3, toàn xã có 397 hộ tham gia trồng được 580 ha rừng (chủ yếu là cây keo lai). Trong đó, có 280 ha rừng trồng năm 2006 – 2009 đã đến chu kỳ đi vào khai thác, bình quân thu nhập 1 ha khoảng 100 triệu đồng, nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên giàu có nhờ trồng rừng WB3.
Được vay vốn 10 – 15 triệu đồng/ ha và tập huấn kỹ thuật trồng, bà con chăm sóc chu đáo, nên từ lúc xuống giống trồng keo lai, tỉ lệ cây sống cao đạt trên 95%, cây rừng phát triển xanh tốt, năng suất đạt khá, qua khai thác đạt tới 100 tấn gỗ keo/ha, nhiều hộ thu nhập cao, thoát nghèo vươn lên giàu có. Ông Bùi Thanh Hùng (52 tuổi) ở thôn Cảnh An 2, phấn khởi, cho biết: “ Gia đình tôi có 5 nhân khẩu, ruộng đất ít, nếu không có dự án WB3 khó có thể thoát nghèo. Tôi được xã cấp 8.400m2 đất lâm nghiệp vùng Gò Dinh, nhờ Ban Quản lý dự án tập huấn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng khoa học, nên 1.700 cây keo lai trồng vào năm 2006, cây sống đạt 100%, năm 2011 thu bán được 85 triệu đồng, trừ chi phí lãi 75 triệu đồng, sau khi thu xong tôi trồng lại keo đến nay 3 năm rồi, chi phí trồng mới 15 triệu đồng/ ha”. Còn bà Nguyễn Thị Sinh (40 tuổi) ở thôn Bình An 2, nhà có 3 chị em, mồ côi từ nhỏ, nhờ chuyển 4 ha cây điều kém hiệu quả sang trồng rừng WB3, mới rồi chị thu 420 triệu đồng, chị bộc bạch: Nếu không có Dự án WB3 có lẽ gia đình tui giờ vẫn còn nghèo, tiền thu lên tui cất nhà mới và có vốn đầu tư trồng lại keo, hy vọng đến chu kỳ khai thác keo tiếp tục được giá.
Việc trồng rừng đã giải quyết phần lớn lao động nông nhàn ở địa phương và mang lại thu nhập cho nông dân. Nhờ vậy, phong trào trồng rừng không chỉ có trong dự án, bà con còn tham gia trồng hàng trăm nghìn cây phân tán góp phần tăng độ che phủ rừng của địa phương. Dự án WB3 thật sự góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, giảm nghèo cho nông dân và tăng nhanh hộ khá, giàu.
Tác giả bài viết: Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc