Trong tháng 11 vừa qua, thôn Bình Lâm cũng như bao thôn khác trong xã Phước Hoà chịu chung số phận ngập lụt. Nhưng bà con nơi đây rút kinh nghiệm nhiều năm sống chung cùng lũ nên đều có sự chuẩn bị trước, che chắn kê cao không để hoa trồng bị ngập úng chết. Các loài hoa thược dược, hồng, cúc… vẫn xanh tốt vươn cành cao lên trời xanh hứa hẹn cho một vụ hoa Tết bội thu. Anh Trần Văn Thanh (37 tuổi) ở xóm Bình Trung, có nhiều năm kinh nghiệm trồng hoa cúc, thổ lộ: “ Tui mua 20 thiên giống hoa cúc đại đóa cấy mô ở Đà Lạt về trồng được 500 chậu vào rằm tháng 7 (Âm lịch), chi phí tiền giống hết 2,6 triệu đồng. Đến tháng 9 trời bắt đầu mưa dầm kéo dài cho đến tháng 10 AL, nhưng tui chăm sóc kỹ, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên hoa vẫn phát triển tốt. Nhẫm tính, nếu giá hoa như năm ngoái 70 nghìn đồng/ chậu tui sẽ thu 35 triệu đồng. Ngoài ra, tui còn có 300 chậu mai kiểng được 3 năm tuổi, trong đó 100 chậu khách mới đến lựa và đặt cọc tiền mua 300 nghìn đồng/ chậu khoảng tháng chạp là họ chở”.
Anh Nguyễn Ngọc Tùng (52 tuổi) ở xóm Bình Trung, có thâm niên 14 năm theo nghề trồng hoa, đận Tết năm 2010 anh khoe thu lãi gần 300 triệu đồng. Ở năm nay, nhờ tự nhân giống hoa cúc pha lê nên giảm được chi phí tiền mua giống, đã nói: “ Năm nay, nên tui không còn đặc giống cúc pha lê mua ở các nhà vườn Đà Lạt mà tự nhân giống nên giảm chi phí gần 13 triệu đồng. Tui vừa làm vừa theo dõi sự sinh trưởng của hoa cúc, áp dụng kỹ thuật thắp đèn điện ban đêm và điều khiển được hoa phát triển chiều cao cũng như hoa nở theo ý muốn, nên không sợ muộn hoặc sớm nếu thời từ nay đến Tết tiết diễn biến bất thường”. Hiện tại, anh Tùng đã trồng đến 4.000 chậu cúc pha lê, 300 chậu hoa lê”. Anh còn bật mí “ Từ sự nhân giống hoa cúc pha lê thành công nên tui liền đấu giá mua hơn 250 m² đất, dự tính năm tới mở trại nhân giống hoa cúc cung cấp cho bà con có nhu cầu ”.
Giờ đây người dân thôn Bình Lâm ai cũng xem nghề trồng hoa kiểng, là nghề “siêu lợi nhuận” không gì thu nhập bằng, tuy là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập chính, bỡi thu nhập từ trồng hoa lợi nhuận cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Đến xóm Bình Đông từ 11 năm trước không ai là không ái ngại; cả xóm 100% hộ ở nhà tranh, vách đất, điện đài không có, cuộc sống rất khó khăn, các hộ đều thuộc diện nghèo. Nhờ theo nghề trồng hoa mới chỉ 10 năm, 18 hộ trong xóm có cuộc sống đổi thay xây được nhà mới, bắt điện thắp sáng, mua ti vi đa hệ, sắm xe máy và những vật dụng đắt tiền phục vụ cuộc sống. Chuyện nhà tranh, vách đất, đèn dầu tù mù lùi vào dĩ vãng.
Theo Ban nhân dân thôn Bình Lâm, lượng hoa chuẩn bị bán Tết năm nay bà con trong thôn trồng khoảng 40.000 chậu hoa cúc đại đóa và pha lê của Đà Lạt (bằng lượng hoa năm 2009), chưa kể các loại hoa hồng, mai… Nghề trồng hoa đang phát đạt và hiện giải quyết hữu hiệu việc làm cho gần 400 lao động nông nhàn ở địa phương. Hiện nay, sau nhiều năm trồng hoa bà con đã tích luỹ kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tự nhân giống hoa để trồng, chọn thời điểm cho hoa nở đúng Tết, ai cũng đoàn kết giúp đỡ nhau nên đầu ra dễ dàng và hoa Bình Lâm không chỉ trong ngoài huyện biết đến, nó còn vươn xa ra ngoài tỉnh.
Để có nguồn thu nhập lâu dài, đáp ứng thị hiếu người chơi hoa, nhiều hộ ở làng hoa Bình Lâm đã “lấy ngắn, nuôi dài”, ngoài trồng hoa hồng, hoa cúc… còn đầu tư trồng mai kiểng, sanh kiểng với số lượng lớn, có hộ trồng trên 1.000 chậu. Mặc dù xuất bán chưa nhiều, nhưng các hộ đều hy vọng những năm đến làng hoa Bình Lâm sẽ có thêm hoa mai, sanh kiểng đáp ứng nhu cầu thị trường và đây cũng là hướng phát triển mới của làng quê này.
Tác giả bài viết: Ngô Hồng Sơn – Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc