Ông Lê Văn Thu, Trưởng thôn Quảng Nghiệp, cho biết: “Người dân thôn chúng tôi không chỉ chú trọng đến đầu tư thâm canh cây lúa, cây trồng cạn mà còn tranh thủ thời gian nông nhàn mở mang các ngành nghề truyền thống, như: đan đát, làm chổi đót, tráng bánh tráng, mổ heo, buôn bán nông sản, kinh doanh cây kiểng, sản xuất gạch ngói… và hiện có 2 cơ sở may gia công đã thành lập Công ty TNHH may, tất cả thu hút gần 750 lao động tham gia. Ngoài lao động làm nghề trên, số lao động theo nghề chăn nuôi heo, bò, gia cầm, làm vườn, tham gia lao động các khu công nghiệp cũng đem lại nguồn thu nhập khá, tính ra thu nhập bình quân xấp xỉ 17 triệu đồng trên đầu người ở năm 2010 có thu nhập cao nhất xã hiện nay”.
Nghề tráng bánh tráng năm 2005 chỉ có 26 hộ nay phát triển lên 125 hộ, giải quyết 250 lao động, thu nhập 1,5 – 2,1triệu đồng/lao động/tháng. Nghề làm chổi đót từ 11 hộ năm 2008 nay phát triển lên 15 hộ, mỗi hộ giải quyết 3 – 4 lao động, thu nhập khoảng 1,2 triệu đồng/tháng/lao động. Nghề đan ghế, giỏ xách bằng bẹ chuối, nhựa xuất khẩu thu hút gần 100 lao động, thu nhập từ 900 – 1,2 triệu đồng/người/tháng. Nghề sản xuất gạch xây dựng thu hút 40 - 50 lao động, thu nhập 3 triệu đồng/lao động/tháng. Nghề sản xuất đồ gỗ 25 hộ tham gia với 70 lao động, thu nhập 3 triệu đồng/lao động/tháng. Các nghề khác như cơ khí nông cụ, làm cửa sắt, tủ nhôm, nghề xay xát gạo, buôn bán nhỏ… cũng thu hút đông lao động tham gia. Tiếng là nghề phụ nhưng các nghề trên lại cho thu nhập chính giúp nông dân thôn Quảng Nghiệp có công ăn việc làm thường xuyên, nhiều hộ trước đây nghèo khó nay có cuộc sống trung bình và không ít hộ vươn lên giàu có nhờ cần mẫn chăm chỉ lao động. Đặc biệt, trong năm 2010 từ chỗ chỉ có 5 hộ mở cơ sở may gia công thu hút chừng 30 – 50 lao động /cơ sở vào làm việc, thì đến đầu năm 2011 đã có 2 cơ sở đã đầu tư mở rộng nhà xưởng thành lập Công ty TNHH may thu hút hơn 300 lao động vào làm công nhân với mức lương ban đầu 1,8 triệu đồng/công nhân /tháng. Chị Trần Thị Thanh Yến, Công ty TNHH may Hoàng Vinh, cho biết: “Tôi xuất phát từ thợ may, trước đây chỉ may quần áo bỏ các sạp chợ bán, sau nhận hàng các cơ sở may mặc làm gia công. Đầu năm nay, tôi cùng chồng mở Công ty tuyển dụng khoảng 150 lao động vào làm việc với mức lương từ 1,8 triệu đồng/công nhân trở lên”.
Nhờ phát triển đa ngành nghề nên đời sống nhân dân thôn Quảng Nghiệp ngày càng khấm khá, bộ mặt nông thôn đổi thay nhanh chóng, đường làng được bê tông hóa, điện chiếu sáng từng nhà, 100% hộ xây được nhà cấp 4, nhà mái bằng, có phương tiện nghe, nhìn và sắm xe máy đi lại, hộ đói không còn, hộ nghèo giảm mạnh.
Tác giả bài viết: Lê Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc