Tuyến Tỉnh lộ 640 đi qua địa bàn 4 xã khu Đông Tuy Phước dẫu còn khó khăn nhưng luôn tấp nập người xe qua lại đã minh chứng cho cuộc sống mới ở một vùng quê mà trước giải phóng phải đối mặt với đầy rẫy khó khăn, nhà cữa tan hoang trên đống tro tàn; ruộng vườn hoang hóa lỗ chỗ hố bom; cỏ hoang mọc ngập đầu người… Con đê ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ hàng nghìn ha lúa đã bị bom đạn san phẳng hoàn toàn. Vậy mà 36 năm xây dựng và phát triển, khu Đông Tuy Phước đã chuyển mình hồi sinh mạnh mẽ, màu xanh phủ khắp trên vành đai lửa đạn năm nào và đang thay da đổi thịt từng ngày. Ông Nguyễn Của, 78 tuổi, thương binh, cán bộ cách mạng lão thành xã Phước Thắng, có nhận xét: “ Sau giải phóng năm 1975 mọi người dân di tản khắp nơi trở về nghe theo lời Đảng ai cũng nén mọi đau thương tập trung sức xây dựng lại quê hương từ trong hoang tàn đổ nát của chiến tranh để lại. Tất bật từ dựng nhà, làm đường giao thông, khai hoang đất ruộng đến đắp đê ngăn mặn, xây dựng hệ thống thủy lợi với tất cả sức lực và lòng quyết tâm. Đảng và Nhà nước đã tích cực hổ trợ nên cuộc sống người dân khu Đông bây giờ sướng lắm, ra ngõ gặp đường bê tông, nhà nhà đều có điện thắp sáng, sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh, xài bếp ga”.
Trong phát triển kinh tế được sự hổ trợ của Trung ương, của tỉnh và huyện, các xã khu Đông Tuy Phước đã tập trung xây dựng hệ thống đê Đông ngày càng vững chải phục vụ hiệu quả việc ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu thoát lũ. Từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, kiên cố hóa đê sông, đập dâng, hệ thống kênh mương nội đồng; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỷ thuật vào đồng ruộng, như sử dụng giống lúa lai, lúa thuần vào gieo sạ đạt 100% diện tích, chuyển hầu hết diện tích lúa từ 3 vụ sang sản xuất 2 vụ, đưa năng suất bình quân đạt từ 68 đến 75 tạ/ha/vụ cao nhất huyện, sản lượng thóc đạt trên 45.321 tấn, chiếm 45% sản lượng lương thực cả huyện, bình quân lương thực đầu người đạt từ 560 – 1.100kg thóc/năm.
Nằm ở ven đầm Thị Nại nên người dân còn có điều kiện phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, thế mạnh thứ hai sau cây lúa, với gần 1.000 ha mặt nước, hàng năm cho sản lượng thu hoạch đạt giá trị hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2010, nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm theo hướng “thân thiện với môi trường” nuôi thủy sản tổng hợp đã hạn chế được dịch bệnh tôm, năng suất đạt hơn 822kg/ha, sản lượng 859 tấn, tăng 11,56% so năm 2009. Về chăn nuôi, hiện tổng đàn gia cầm có 426.465 con, chiếm hơn 40% so tổng đàn gia cầm trong huyện, đàn trâu bò 4.133 con, đàn heo 25.405 con góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân.
Người dân khu Đông phấn khởi thu hoạch tôm được mùa
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế các xã khu Đông Tuy Phước đẩy mạnh phát triển ngành nghề, dịch vụ tiểu thủ công nghiệp (TTCN), đến nay tỉ trọng công nghiệp, TTCN, thương mại – dịch vụ tăng từ 45 – 53%, giảm tỉ trọng nông nghiệp xuống mức 55 - 47%. Các cụm kinh tế kỹ thuật Kỳ Sơn (Phước Sơn), Gò Bồi (Phước Hòa) được quy hoạch xây dựng bề thế thu hút đông lượng người đến giao thương mua bán, trao đổi đông đúc, hàng hóa ngày càng phong phú đạt giá trị hàng trăm tỉ đồng/năm. Sầm uất nhất là chợ đầu mối Gò Bồi và chợ Mới Phước Sơn nơi giao lưu buôn bán giữa các xã Đông Nam Phù Cát, Đông An Nhơn và Tuy Phước.
Các làng nghề truyền thống hiện phát triển và mở rộng, trong đó có 3 làng nghề (làng nghề dệt chiếu cói thôn Lạc Điền và thôn An Lợi của xã Phước Thắng, làng nghề bánh tráng Kim Tây của xã Phước Hòa đã được tỉnh công nhận năm 2007) hiện giải quyết việc làm nông nhàn cho cả ngàn lao động địa phương. Ngoài ra, còn có hàng nghìn lao động khác vào làm công nhân tại khu công nghiệp Phú Tài – Long Mỹ (TP Quy Nhơn), cụm công nghiệp Phước An (Tuy Phước) góp phần nâng thu nhập bình quân từ 13 – 18 triệu đồng/ người/ năm, tăng gần gấp đôi so với 5 năm trở lại đây. Nhờ giải quyết việc làm, kinh tế phát triển số hộ đói không còn, hộ nghèo các xã khu Đông từ 15% năm 2005 đến nay giảm xuống còn 7% theo tiêu chí cũ. Số hộ có nhà xây chiếm 100%, 100% hộ sử dụng điện và có phương tiện nghe nhìn, hơn 90% số hộ có xe máy.
36 năm qua, hạ tầng nông thôn với hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ ngày càng được xây dựng khang trang tạo điều kiện cho người dân khu Đông Tuy Phước phát triển kinh tế, xã hội. Từ chỗ giao thông đi lại khó khăn, cách trở đò giang, thì hôm nay những con đường bê tông đã vươn dài đến tận thôn, xóm; những cây cầu vững chải xóa dần cầu tre nối liền khu Đông với các địa phương lân cận. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay các xã khu Đông Tuy Phước đã đầu tư 77 km đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng, tạo thuận lợi đi lại nhất là vào mùa mưa lũ. Các công trình cấp nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư xây dựng và mở rộng đến các xã khu Đông cơ bản giải quyết cho các hộ có nước sạch dùng hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn cả nghìn hộ dân nằm vùng trắng nước sạch, như: Huỳnh Giản Nam – Bắc (xã Phước Hòa), Đông Điền – An Lợi – Phổ Đồng (xã Phước Thắng) đang chờ công trình cấp nước sinh hoạt đông nam Phù Cát và đông Tuy Phước…
Sau 36 giải phóng, đất và người khu Đông Tuy Phước giờ đây đã đổi thay nhanh chóng đang vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới.
Tác giả bài viết: Lê Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc