Nước ta đã và đang xây dựng một Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”; đây chính là lý do cơ bản mà Nhà nước chủ trương sửa đổi Hiến pháp và tổ chức lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân tham gia về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; việc sửa đổi Hiến pháp lần này trở thành một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng lớn, sâu sắc của nhân dân, tập trung phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng được một Hiến pháp thực sự dân chủ, nhân dân phải được đảm bảo quyền lập hiến.
Đối với huyện Tuy Phước, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chia thành 2 đợt chính: Đợt 1, tổ chức lấy ý kiến của cơ quan nhà nước ở địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, lực lượng vũ trang, ... trên địa bàn. Đợt 2, tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham gia về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (đến từng hộ gia đình), để đảm bảo hộ gia đình nào cũng được tham gia ý kiến trực tiếp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Để đạt được hiệu quả của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đợt này, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 05/KH- UBND ngày 28/3/2013 về tổ chức phát tài liệu, xin ý kiến và tổng hợp ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn huyện; đồng thời, phối hợp với HĐND, UBMTTQVN huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức cấp phát đầy đủ, kịp thời các tài liệu cần thiết về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến từng hộ gia đình, họp toàn thể các hộ gia đình ở từng thôn để phổ biến rõ nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, có so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; giải thích, thuyết minh nội dung cơ bản của Hiến pháp và những vấn đề nhân dân chưa hiểu... Từ đó, cung cấp cho mỗi hộ gia đình một phiếu tham gia ý kiến đối với từng nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Thông qua phiếu này, nhân dân sẽ trực tiếp thể hiện chính kiến của mình là tán thành, không tán thành hoặc có ý kiến khác (kể cả những ý kiến trái chiều). Mọi ý kiến tham gia của nhân dân sẽ được các cấp chính quyền địa phương tổng hợp một cách trung thực, chính xác để gửi về HĐND tỉnh, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sau đó sẽ được đưa ra Quốc hội quyết định.
Với quy trình tổ chức chặt chẽ như vậy, về cơ bản đảm bảo được quyền cho nhân dân được phản ánh tâm tư, nguyện vọng và chính kiến của mọi tầng lớp nhân dân tham gia về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, phát huy được tính dân chủ trong xây dựng Hiến pháp. Có thể thấy đây là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp họ nâng cao được nhận thức và trách nhiệm của mình góp phần xây dựng đất nước.
Nhìn chung, đại bộ phận nhân dân thống nhất theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tính đến ngày 15/4/2013, toàn huyện đã phát ra với tổng số phiếu là 47.162, tổng số phiếu thu vào 46.676 ( tỷ lệ 99%) trong đó, số phiếu thống nhất theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là 46.586 ( tỷ lệ 99,8%), tổng số phiếu đề nghị sửa đổi, bổ sung: 90 ( tỷ lệ 0,2%), số phiếu đã phát ra cho từng hộ dân nhưng các hộ vẫn đang nghiên cứu thêm nên sẽ báo cáo sau là 348 phiếu ( tỷ lệ 0,7% ). Số phiếu chưa phát ra được cho các hộ dân là 138 phiếu, thuộc diện các hộ già neo đơn, bệnh tâm thần hoặc đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương.
Có thể xem đây là một cuộc đại trưng cầu ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước, một việc làm chưa từng có kể từ khi thành lập nước tới nay. Điều đó thể hiện sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, của nhà nước ta./.
Tác giả bài viết: Thanh Thủy, VP.HĐND&UBND huyện
Ý kiến bạn đọc