Từ năm 2008 đến 2010, xã Phước Thuận được đầu tư từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ phát triển kết cấu hạ tầng các xã bãi ngang, nhiều công trình trọng điểm của xã đã được xây dựng từ nguồn vốn này.
Đoạn đường từ thôn Bình Thái đến đê Khu Đông là đoạn giao thông huyết mạch của thôn. Cứ đến mùa mưa lũ, đoạn đường này bị sạt lở, nếu lụt về là bị ngập, cắt đứt hoàn toàn giao thông của thôn với các khu vực còn lại của xã. Từ nguồn vốn 700 triệu đồng của Chính phủ kết hợp với nguồn vốn 354 triệu đồng của xã, đoạn đường dài 612 m này đã được xây kè mái đường kiên cố, người dân rất phấn khởi vì nỗi khổ về giao thông lâu nay đã được giải tỏa. Năm 2009, từ nguồn vốn 800 triệu đồng của Chính phủ, xã bỏ thêm ngân sách hơn 200 triệu đồng để hoàn thành đường tràn khắc phục vùng lở vườn ông Học, thôn Phổ Trạch. Đường tràn này dài 782 m, sau khi hoàn thành có tác dụng ngăn nước lũ, tạo thuận lợi cho giao thông, khắc phục tình trạng sa bồi ruộng lúa hàng năm do lũ lụt. Hơn 3,5 ha lúa được khắc phục sa bồi hiện nay đã được đưa vào sản xuất, năng suất khá cao. Năm 2010, 1 tỷ đồng hỗ trợ từ Trung ương đã giúp xã xây dựng hai công trình mang tính bức xúc. Đoạn giao thông huyết mạch từ cầu Trắng đến Trụ sở thôn Diêm Vân thường xuyên bị ngập, sạt lở, có năm ngập đến hơn 0,5m, làm thôn này bị cô lập hoàn toàn. Công trình xây dựng kè mái, nâng cấp đường, khắc phục tình trạng trên đã được triển khai và hiện nay sắp hoàn thành. Công trình thứ hai là mương thoát nước trước khu dân cư dưới dốc Cây Me, thôn Liêm Thuận. Mương thoát nước hoàn thành đã giúp tiêu nước mưa từ núi Kỳ Sơn tràn xuống nhà dân, khắc phục tình trạng sa bồi ruộng lúa ở thôn Liêm Thuận.
Theo ông Lê Văn Nguyên, cán bộ Kế hoạch – xây dựng xã Phước Thuận, các công trình được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ và ngân sách xã đã mang lại hiệu quả thiết thực khi đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, đặc biệt , từ năm 2008 đến năm 2010, ở xã đã giảm được 14% hộ nghèo.
Hiện nay, ở Phước Thuận, hàng loạt công trình bức xúc cần đầu tư xây dựng như nâng cấp, xây dựng chợ thủy sản Tân Thuận( đây là chợ mua bán thủy sản trọng yếu của Phước Thuận và các xã khu Đông); đê Nam thôn Diêm Vân dài 1,2 km bảo vệ toàn bộ người dân thôn Diêm Vân trong mùa lũ hiện nay đã xuống cấp nặng ; rồi đường ngang thôn Nhân Ân dài 800 m nối thôn này với thôn Lộc Hạ cần được xây dựng để phục vụ các yêu cầu bức thiết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế ; trong xã chưa có trụ sở thôn nào được xây dựng để nhân dân hội họp, sinh hoạt v.v… Ông Nguyên cho biết thêm, trong khả năng của mình, mỗi năm xã chỉ có thể chi từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng cho xây dựng các công trình nhằm phát triển kết cấu hạ tầng địa phương . Số kinh phí này chỉ như muối bỏ bể trước yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế địa phương.Do vậy, Phước Thuận đang rất cần sự quan tâm đầu tư từ các cấp ngân sách.
Tác giả bài viết: Ngô Hồng Sơn
Ý kiến bạn đọc