Ông Võ Thắng Lợi, phụ trách Văn phòng UBND xã, cho biết: “Phước Thắng nằm cuối nguồn sông Kôn, giáp đầm Thị Nại là vùng rốn lũ của huyện Tuy Phước, đa phần nhân dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, một bộ phận nhân dân sống nghề nuôi trồng thuỷ sản và trồng cói dệt chiếu đời sống còn nhiều khó khăn. Xã không có nguồn thu gì nên ngân sách hạn hẹp, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phải trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh, huyện. Năm 2008 xã được Chính phủ công nhận xã bãi ngang ven biển, với nguồn vốn đầu tư của Chính phủ từ năm 2008 – 2010 xã đã đầu tư hơn 2,4 tỉ đồng xây dựng được 2 cầu bê tông, làm hơn 2 km đường bê tông phục vụ nhân dân đi lại phát triển kinh tế”.
Các công trình từ nguồn vốn bãi ngang vừa xây dựng xong đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả, gồm công trình đường bê tông Thanh Quang đi Hạ Bạc, Lương Bình đi Xóm Chùa, An Lợi đi đội 7, Phổ Đồng đi xóm Cây Dừa và 2 cầu bê tông bắc qua Sông tiêu TX1 tại thôn Lạc Điền và thôn Thanh Quang những vùng trước đây cứ vào mùa mưa việc đi lại hết sức khó khăn, còn lũ về hầu như bị cô lập hoàn toàn. Việc làm đường, xây cầu đã làm cho người dân nơi đây an tâm đi lại thông suốt 4 mùa. Ông Nguyễn Hữu Tâm, ở thôn Lạc Điền, phấn khởi, bộc bạch: “Trước đây cứ vào mùa lũ cây cầu tre bắt qua sông tiêu TX1 phục vụ cho bà con thôn chúng tui không năm nào là không bị lũ cuốn trôi mất, việc đi lại không được đã đành các cháu đi học càng khó khăn phải dùng sõng chống qua, hết lũ xã phải thuê công mua tre làm lại tốn kém vô cùng. Bây giờ yên ổn rồi cây cầu mới làm xong bà con trong thôn ai cũng mừng vui, ước mơ đã thành hiện thực, hạt lúa làm ra con buôn mua không còn ép giá như trước, lũ về bà con cũng hết lo lắng”. Còn ông Lê Văn Tám, ở thôn Lương Bình, thổ lộ: “Tuyến giao thông liên xã đi qua thôn tôi đường bê tông to rộng, nhưng về xóm thì đường đất nhỏ, lầy lội mùa lũ bị cô lập, muốn cất nhà phải trung chuyển vật liệu chi phí tốn kém, nên khi nghe xã cho đúc bê tông tuyến Lương Bình về Xóm Chùa bằng vốn bãi ngang của Chính phủ ai ai đều mừng rỡ. Tuyến đường làm xong đã 2 năm nay bà con đi lại sướng ơi là sướng”.
Tuyến đường bê tông Thanh Quang đi Hạ Bạc được xây dựng bằng nguồn vốn bãi ngang
Do nằm ở vùng thường xuyên đối mặt với mưa lũ nên các công trình bãi ngang xây dựng xong đưa vào sử dụng đều phục vụ lợi ích thiết thực cuộc sống hàng ngày của người dân và ngóp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội ở một xã thuần nông. Bên cạnh đó, xã cũng huy động nguồn lực từ nhân dân và được tỉnh, huyện hổ trợ hàng tỉ đồng nên đến nay xã Phước Thắng bê tông được 17,8 km đường giao thông nông thôn, trong đó có đường vào 2 làng nghề truyền thống dệt chiếu cói An Lợi và Lạc Điền, bê tông gần 500 mét kênh mương dẫn nước từ đập dâng Hạ Bạc ra đập dâng Thanh Quang phục vụ tưới hơn 200 ha lúa, kiên cố 1.000 mét đê bờ bắc Sông tiêu TX1 hạn chế lũ làm vỡ đê…
Tuy nhiên, xã Phước Thắng vẫn còn nhiều tuyến đê sông, như kênh Văn Khám, kênh tiêu Ba Huyện, Kênh 19/5, Sông tiêu TX1 hiện nhiều đoạn bị xâm thực có nguy cơ vỡ đê cao trong mùa mưa lũ. Toàn xã không có trụ sở thôn làm nơi sinh hoạt của nhân dân nên thời gian đến rất cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của Nhà nước.
Tác giả bài viết: Lê Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc