Cách đây khoản 500 năm, nhiều cư dân người Việt và một số cư dân người Hoa theo đường biển vào đây lập nghiệp. Các làng Vĩnh An, Lạc Hòa từ đó cũng được hình thành. Nước Mặn là một Đô thị thương cảng nổi tiếng ở Đàng Trong thời bấy giờ, từng có trong bản đồ hàng hải quốc tế của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Lễ hội được tổ chức ở chùa Bà, vùng đất trung tâm cảng thị thuở trước. Chùa Bà là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, một nhân vật có công cứu vớt tàu thuyền mắc nạn trên biển khơi.
Thuở xưa, khi Cảng thị còn phồn vinh, phố phường đông đúc, tới ngày lễ, dân Cảng thị cả người Việt và người Hoa khiêng kiệu tới miếu Thành Hoàng, miếu Quán Thánh, miếu Bà Mụ, rước linh vị của các vị thần này về chùa Bà để chuẩn bị tế lễ. Nửa đêm 30 là lễ tế chính thức thần Thành Hoàng, Thiên Hậu, Quán Thánh, Bà Mụ. Sau ngày tế thần, sang ngày thứ hai và ngày thứ ba là hội. Nghi thức đầu tiên là rước các biểu trưng hình những người có công khai sáng vùng đất này: Kẻ đốn cây phá rừng ngập mặn, người vỡ ruộng đắp bờ, kẻ bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc… được cung kính đặt lên kiệu, nối nhau khiêng đi. Còn có biểu trưng tàu thuyền viễn dương với những tay chèo vạm vỡ vượt sóng gió, làm sống lại những ngày đầu tàu thuyền bốn phương tới cảng thị buôn bán.
Sau rước biểu trưng, ban ngày thì các trò chơi dân gian nối tiếp diễn ra: đánh đu, kéo co, đấu võ, đấu vật, chơi cù, chọi gà, bắt vịt, nấu cơm thi, đập ấm, bịt mắt bắt dê… Có trò chơi tao nhã như thả thơ, xổ cổ nhơn, hô bài chòi, đánh cờ người, có trò tiếp nhận của người Hoa như: tục đổ giàn, đốt cây bông… Ban đêm, các gánh hát nổi tiếng được mời tới diễn tuồng…
Ngày nay, cảng thị Nước Mặn đã suy tàn. Vùng trung tâm Cảng thị xưa gồm nhiều dãy phố chạy ngang dọc như bàn cờ, có dãy phố chuyên bán thuốc bắc, vàng bạc, tơ lụa… nay chỉ còn lưu giữ chút dấu tích ít ỏi: tảng đá to dựng đứng dưới chân hòn Kỳ Sơn là bến neo thuyền, chiếc cầu ngói vốn xưa bắc qua một nhánh của sông Cây Da, rồi chùa Bà, gò Dinh - nơi làm việc của quan trấn thủ Cảng thị, dấu vết nhà thờ Nước Mặn, hai cây cổ thụ và một khu đất trống từng là chợ Nước Mặn tấp nập họp thường nhật… Tuy nhiên, Lễ hội Nước Mặn vẫn được duy trì như một gợi nhớ về một thời phồn thịnh thuở xưa.
Miếu thờ duy nhất còn lại ở vùng trung tâm cảng thị chỉ còn lại chùa Bà nên trong chùa thờ cả ba vị thần: Thiên Hậu ở gian giữa, Thành Hoàng và Bà Mụ ở hai gian hai bên. Phần tế lễ vẫn được tôn trọng và tiến hành theo ý nguyện. Ngày thứ hai mới là khai hội, một số trò chơi truyền thống vẫn được tổ chức, ban đêm vẫn đón gánh hát bội về diễn trong những đêm hội. Ban Tổ chức lễ hội còn tổ chức thi đấu thể thao như bóng đá, bóng chuyền nên đã thu hút khá đông thanh niên tham gia.
Trong những ngày lễ hội, người dân khắp nơi đổ về An Hòa vừa dự lễ, đồng thời cũng là dịp đến thắp hương cầu xin một năm mới an khang thịnh vượng. Nhiều người hiếm muộn còn đến dự hội để cầu mong về đường con cái. Bên cạnh, tham gia các trò chơi dân gian: đập ấm, múc nước đổ ly, cạp bưởi, kéo co, thi chạy việt dã, bóng chuyền, múa lân, đánh bài chòi cổ, biểu diễn võ thuật và hát bội.
Sau đây là một số hình ảnh tại Lễ hội Đô thị Nước Mặn:
Lễ rước sắc
Ban Tế lễ
Cúng dâng các vật sản tưởng nhớ các bậc tiền hiền
Đánh bài chòi cổ tại Lễ hội
Các trò chơi dân gian
Đông đảo người dân xem lễ hội Đô Thị Nước Mặn
Tác giả bài viết: Xuân Thức - Khải Nhân
Ý kiến bạn đọc