1. Bổ sung một số nội dung về danh sách cử tri và thẻ cử tri
a) Danh sách cử tri:
- Cột “Ngày, tháng, năm sinh”: Ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh. Đối với cử tri sinh từ năm 1997 trở về trước, nếu không xác định được chính xác ngày sinh, tháng sinh thì chỉ cần ghi năm sinh.
- Cột “Nơi ở hiện nay”: Ghi địa chỉ (thường trú hoặc tạm trú) nơi cử tri đăng ký bỏ phiếu.
+ Trường hợp cử tri đăng ký bỏ phiếu ở nơi tạm trú thì ghi chú vào cột “Ghi chú” thời gian bắt đầu đăng ký tạm trú.
+ Trường hợp cử tri là quân nhân đăng ký bỏ phiếu tại đơn vị vũ trang nhân dân thì ghi tên đơn vị hành chính cấp xã nơi đơn vị đóng quân.
+ Trường hợp cử tri là đối tượng quy định tại Điều 34 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri đăng ký bỏ phiếu theo tổ chức, đơn vị (bệnh viện, nhà an dưỡng, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp…) thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, đơn vị nơi tổ chức đăng ký lập danh sách cử tri.
- Cột “Ghi chú”: Ghi chú cụ thể về các nội dung sau đây:
+ Đối với cử tri là người tạm trú đăng ký bỏ phiếu tại địa phương thì ghi thời gian bắt đầu đăng ký tạm trú tại địa phương (bắt đầu tạm trú từ năm 2014 trở về trước thì chỉ cần ghi năm; từ năm 2015 đến nay thì ghi rõ tháng và năm).
+ Cử tri thuộc đối tượng quy định tại khoản 5, Điều 29 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dânthì ghi “Người đang bị tạm giam”, “Người đang bị tạm giữ” “Người đang chấp hành biện pháp…”.
+ Cử tri đã được cấp Giấy chứng nhận để đi bỏ phiếu ở nơi khác thì ghi “Bỏ phiếu ở nơi khác”; cử tri là quân nhân đã xin cấp giấy chứng nhận để tham gia bỏ phiếu ở nơi cư trú thì ghi “Bỏ phiếu ở nơi cư trú”.
+ Cử tri được bổ sung vào danh sách cử tri theo quy định tại Điều 34 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dânthì ghi “Cử tri không cư trú ở địa phương”.
+ Việc xóa tên trong danh sách cử tri theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5, Điều 30 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
b) Thẻ cử tri:
Mục “Hộ khẩu thường trú”: Chỉ ghi trong trường hợp cử tri đăng ký bỏ phiếu tại nơi thường trú.
2. Về lập danh sách cử tri và cấp thẻ cử tri đối với đơn vị vũ trang nhân dân
a) Trong trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung khu vực bỏ phiếu thì Chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân lập danh sách cử tri trong đơn vị và chuyển cho Ủy ban nhân dân cấp xã để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu.
- Trong danh sách cử tri (Mẫu số 30/BCĐBQH&BCĐBHĐND ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử quốc gia), đối với cử tri là quân nhân, cột “nghề nghiệp” ghi chung là “lực lượng vũ trang”; cột “nơi ở hiện nay” ghi tên đơn vị hành chính cấp xã nơi đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân đóng quân, không ghi tên hoặc phiên hiệu đơn vị vũ trang nhân dân; tên của khu vực bỏ phiếu ghi theo số thứ tự trong quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Trên Thẻ cử tri (Mẫu số 11/BCĐBQH&BCĐBHĐND ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử quốc gia), mục “nơi ở hiện nay” ghi tên đơn vị hành chính cấp xã nơi đơn vị vũ trang nhân dân đóng quân.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký, đóng dấu danh sách cử tri và thẻ cử tri. Danh sách cử tri được niêm yết theo quy định tại Điều 32 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
b) Trong trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng thì Chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức việc lập danh sách cử tri, in Thẻ cử tri đối với các cử tri là quân nhân trong đơn vị và chuyển cho Ủy ban nhân dân cấp xã để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký, đóng dấu vào danh sách cử tri và thẻ cử tri. Việc lập danh sách cử tri và cấp thẻ cử tri thực hiện như quy định tại điểm a mục này. Danh sách cử tri của đơn vị vũ trang nhân dân chỉ được niêm yết trong phạm vi đơn vị.
Tác giả bài viết: Anh Tân
Ý kiến bạn đọc