UBND huyện Tuy Phướchttps://tuyphuoc.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 30/01/2023 14:199470
Cứ mỗi độ xuân về, đã thành điểm hẹn, đến mùng Một tết Nguyên đán, người dân khắp nơi lại nô nức về trẫy Hội vui xuân Chợ Gò (tại thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước). Đến Chợ Gò, điều mà mọi người có thể dễ dàng cảm nhận được là nét vui tươi, nhẹ nhàng của người mua bán lẫn người dự hội. Đây là một trong 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam, Chợ Gò đã trở thành “Niềm thương nỗi nhớ” đầu xuân của người dân huyện Tuy Phước và khách thập phương về tham gia trẫy hội.
Theo ghi nhận, Tết 2023 mặc dù trời xuân lành lạnh, nhưng dòng người tấp nập cùng hội tụ về trung tâm chợ Gò, không chỉ hái lộc mà còn là dịp để họ thăm hỏi, chúc nhau lời cầu chúc năm mới an khang, thịnh vượng, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Đồng chí Nguyễn Hùng Tân –Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại Hội xuân chợ Gò
Hội xuân chợ Gò năm nay được tổ chức quy mô hoành tráng, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Người đi xem hội được thưởng thức chương trình nghệ thuật tổng hợp, những màn trình diễn trống hội, múa lân, về truyền thống thượng võ của người dân “xứ nẫu” Bình Định. Quê hương sản sinh ra anh hùng đất võ Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ. Những võ sĩ, võ sinh thuộc CLB võ thuật chùa Long Phước, võ đường Phi Long Vinh, Võ đường Nguyễn Thị Kim Huệ v.v..Với những bài “Quyền thuyền Sư:”, “Roi Thái Sơn” “Tứ Linh đao”, đối luyện “tay không thắng binh khí”, đã đem đến cho người xem đã mắt và những tràn pháo tay tán thưởng nồng nhiệt. Điểm nhấn trong Hội xuân Chợ Gò năm nay, huyện Tuy Phước tổ chức Liên hoan hô hát bài chòi cổ dân gian có 6 đội, thu hút 25 nghệ nhân bài chòi trong huyện tham gia. Mỗi đội sẽ thi thố tài năng “Hội đánh bài chòi cổ dân gian” như: Khai hội, hô hát chào mừng, rút thẻ hô câu thai 27 con bài và dâng thưởng…Với những giọng hô bài chòi mượt mà, đầy ý nghĩa xen lẫn tiếng nhạc cụ du dương đã thu hút rất đông du khách, người dân địa phương đến xem và cổ vũ.
Hội chợ Gò còn là nơi hội tụ nhiều sản vật mang đậm tính dân gian, nét đẹp văn hóa tinh thần với nhiều mặt hàng như: Trầu, cau, muối và rau muống được bày bán rất nhiều. Nét độc đáo của Hội chợ Gò là việc mua bán không mang nặng tính kinh doanh,…..hoạt động đó được ví như trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới được an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc, bình an.
Bà Nguyễn Thị Tới 72 tuổi, ở thị Trấn Tuy Phước, bán tràu cau tại chợ Gò hơn 20 năm nay cho biết ý nghĩa: “Năm nào cùng vậy vào sàng mùng một Tết, tôi bán trầu cau để bà con lấy lộc đầu năm, rau muống là muốn gì được nấy, đu đủ là đầy đủ cả năm, còn bán muối với ước mong: Đầu năm mua muối, cuối năm mua vàng”.
Cô Trần Thị Sở, 55 tuổi, ở Phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn: “Chợ Gò là Hội xuân truyền thống của huyện Tuy Phước và trẫy hội Chợ Gò đầu năm là truyền thống của gia đình tôi. Dù đang sinh sống làm việc ở Quy Nhơn nhưng Tuy Phước là quê gốc của chúng tôi, cứ sáng mùng Một Tết, gia đình 3 thế hệ cùng nhau xin lộc đầu năm ở Chợ Gò, cầu mong cho mọi người và gia đình mình một năm mới an khang, thịnh vượng. Đồng thời, đây cũng là cách để con cháu biết đến và giữ gìn văn hóa truyền thống của quê hương mình”.Tuy Phước từ xưa đến nay luôn tự hào là miền “Đất võ trời văn”, với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, những ngôi đền chùa cổ kính và những di sản văn hóa tinh thần như: Tuồng Đào Tấn, thơ tình Xuân Diệu, bài chòi cổ dân gian, chèo bá trạo…Và đặc biệt hơn nữa, nơi mà cách đây hơn 200 năm vị Hoàng Đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, anh hùng kiệt suất của dân tộc, dùng làm chỗ tập trận của quân đội Bộ binh Tây Sơn. Người đã chỉ dụ cho phép mở Hội vui xuân tại chợ Gò, Trường Úc, trước là để người dân địa phương vui xuân sau chiến tranh mất mát, khổ nhọc, sau là để ba quân vui xuân khây khỏa vơi đi nỗi nhớ nhà.
Hội chợ Gò tuy chỉ diễn ra trong 2 ngày đầu năm (mùng 1 và mùng 2 Tết). Nhưng những ký ức đẹp đẽ, hùng tráng và giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc sẽ gắn chặt vào tiềm thức của mỗi người con đã, đang sống trên vùng đất Võ và tất cả người con Tuy Phước dù có xa quê, nhưng vẫn luôn hướng về cội nguồn, tình yêu quê hương da diếc, và “nơi ấy” có phiên chợ quê ngày Tết độc đáo, thân thiện, mến khách./.
Tác giả bài viết: Lệ Hiền - Trung tâm VH-TT-TT huyện