UBND huyện Tuy Phướchttps://tuyphuoc.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 09/11/2024 13:032000
Chiều ngày 07/11/2024, Đoàn công tác của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là huyện kết nghĩa với huyện Tuy Phước, do đồng chí Nguyễn Duy Cường - UVBTVHU, Phó Chủ tịch HĐND huyện làm Trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc và trao tặng tư liệu, hiện vật của cố thi sĩ nhà thơ Xuân Diệu cho huyện Tuy Phước.
Được biết qua một thời gian thu thập, cán bộ và Nhân dân huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã thu thập được một số kỷ vật lưu niệm của nhà thơ Xuân Diệu tại quê Cha của mình như: Nón (mũ) làm bằng lá Cọ, bộ quần áo, đôi dép, cặp đựng tài liệu, băng catset, băng video,…Đầu năm 2024, huyện Tuy Phước đã đầu tư trùng tu lại Nhà lưu niệm Xuân Diệu, Quê mẹ của ông ở Gò Bồi, xã Phước Hòa nên huyện Can Lộc đã phối hợp với Bảo tàng Hà Tĩnh cho phục chế những kỷ vật này và trao tặng cho Tuy Phước để lưu giữ và trưng bày tại Nhà lưu niệm của ông.
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Đoàn công tác huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã trao tặng các kỷ vật này cho đơn vị huyện Tuy Phước. Thay mặt lãnh đạo huyện Tuy Phước, đồng chí Nguyễn Hùng Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện trân trọng cảm ơn huyện Can Lộc. Đồng thời, khẳng định đây là những hiện vật có giá trị, huyện Tuy Phước sẽ lưu giữ, bổ sung, trưng bày trong nhà lưu niệm, làm phong phú, đa dạng tư liệu, hiện vật phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương.
Được biết, Xuân Diệu (02/02/1916 - 18/12/1985) tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh Trảo Nha, quê tại làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại quê mẹ ở Gò Bồi, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, nơi cha ông là Ngô Xuân Thọ vào dạy học và kết duyên với mẹ là Nguyễn Thị Hiệp. Ông sống ở Tuy Phước đến năm 11 tuổi (1927) thì xuống học ở Quy Nhơn. Năm 1936-1937, ông học và tốt nghiệp tú tài ở Huế. Năm 1937, Xuân Diệu ra Hà Nội học trường Luật và viết báo, trong thời gian 1938-1940 ông là thành viên nhóm Tự lực văn đoàn và cùng Huy Cận ở gác 40 Hàng Than.
Năm 1940, ông vào Mỹ Tho làm tham tá thương chánh. Năm 1942, ông quay lại Hà Nội làm nghề viết văn. Năm 1944, ông tham gia Việt Minh rồi tham gia kháng chiến, di tản lên chiến khu Việt Bắc, hoạt động văn nghệ cách mạng. Sau hoà bình, ông về sống và làm việc tại Hà Nội đến khi mất./.
Tác giả bài viết: Tấn Hùng - Trung tâm VH-TT-TT huyện