Là xã thuần nông, nhưng đất chật, người đông, bình quân ruộng đất đầu người chỉ có 400m2 đất canh tác, nên hầu hết lao động chính ở địa phương đều bỏ quê đi làm ăn xa. Theo thống kê, trước năm 2004 trung bình mỗi năm cả xã có gần 1.000 đến 1.200 lượt người dân làm đơn xin tạm vắng để vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, hay lên tận Tây nguyên để làm thuê, làm mướn kiếm sống.
Cuộc sống mới thật sự đến với người dân Phước An khi Khu công nghiệp Phú Tài – Long Mỹ đi vào hoạt động mạnh và sự ra đời của CCN Phước An nhiều nhà máy lần lượt thi nhau mọc lên, cho đến nay đã có 11 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất với các ngành nghề: chế biến gỗ, nông sản, đá granite, nhựa, kinh doanh kho bãi… và 7 DN hoạt động ngoài CCN đã giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương.
Anh Nguyễn Văn Hoà, công nhân Công ty TNHH Nghĩa Phát, thổ lộ: “Ở đây ruộng đất ít, làm nông nghiệp không thể nào đủ trang trải cuộc sống. Vì thế bà con chúng tôi phải xa quê kiếm sống ở nhiều nơi; nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu; cái khổ, cái nghèo cứ đeo bám. Còn bây giờ thì nhiều người làm công nhân cho các nhà máy ở đây, thu nhập cũng khá, lại yên tâm vì ở gần nhà có thời gian dạy giỗ thêm con cái.”
Theo ông Hồ Trung Sơn, Chủ tịch UBND xã, CCN Phước An là đòn bẩy để xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và dịch vụ (hiện tỉ trọng nông nghiệp chiếm 36%, TTCN và dịch vụ chiếm 64%). Nông dân địa phương trong độ tuổi lao động phần lớn đều vào làm các khu CCN trở thành công nhân thực thụ, thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp. Trong tương lai CCN Phước An mở rộng giai đoạn 2 (23 ha) và xã cũng quy hoạch điểm khu dân cư (KDC) kết hợp sản xuất CN- TTCN trên diện tích 7 ha tại thôn Ngọc Thạnh 2 (trong đó KDC 2 ha, 5 ha khu sản xuất kinh doanh). Đồng thời quy hoạch 120 ha đất màu sản xuất kém hiệu quả thôn An Sơn 2 và vùng chân núi Sơn Triều xây dựng khu trang trại chăn nuôi tập trung, sẽ từng bước giải quyết có hiệu quả việc làm cho nhân dân.
Vận hành máy chế biến gỗ tại cụm công nghiệp Phước An
Hiện tại, xã Phước An đang lấy CN-TTCN , thương mại, dịch vụ gánh vác trách nhiệm chính trong thu nhập thay cho nông nghiệp. Các nhà máy, xí nghiệp liên tục mọc lên làm cho diện mạo xã thuần nông trước đây nay thành xã công nghiệp trở nên sầm uất và sôi động hẳn, kéo theo các ngành nghề TTCN, thương mại, dịch vụ… phát triển khá nhanh, giải quyết thêm việc làm cho hàng trăm lao động. Riêng thu nhập của lao động làm việc tại nhà máy, xí nghiệp đã đem về cho địa phương hàng chục tỉ đồng/năm (riêng năm 2010 hơn 50 tỉ đồng, gấp đôi so năm 2005), góp phần nâng thu nhập bình quân toàn xã lên 25 triệu đồng /người/năm vào năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần so năm 2005, nhờ vậy số hộ nghèo giảm xuống còn 2,13%. Xã đang phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm.
Việc các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả tại các khu, cụm điểm công nghiệp và việc huyện mở rộng quy hoạch các khu, cụm điểm công nghiệp là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày một phát triển.
Tác giả bài viết: Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc