Huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới( NTM)
Cùng với nguồn lực hỗ trợ của trung ương, tỉnh, nguồn lực của huyện và xã tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, đặc biệt là 5 tiêu chí (TC) giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, chợ nông thôn. Các TC này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn do vậy, ngân sách từ huyện đến các xã gặp nhiều khó khăn trước yêu cầu đầu tư đặt ra. Trong giai đoạn 2011- 2015, hơn 188,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của huyện và xã hơn 106,4 tỷ đồng, người dân đóng góp hơn 4,2 tỷ đồng( góp tiền và 47.634 m2 đất) được đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội phục vụ xây dựng NTM. Đây là nỗ lực lớn của huyện và các xã trong điều kiện kinh tế khủng hoảng, nguồn thu ngân sách gặp khó khăn.
Ông Lê Công Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa- xã được chọn làm điểm xây dựng NTM cho biết: “Để có nguồn lực đầu tư, xã chọn giải pháp huy động nhiều nguồn lực cùng lúc, một mặt tiếp nhận nguồn vốn Chương trình Mục tiêu xây dựng NTM của trung ương, nguồn vốn tỉnh, huyện, đồng thời tranh thủ huy động đầu tư từ các Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) do cơ quan Phát triển Quốc tế (CIDA) tài trợ,Dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Bộ Ngoại giao Na Uy tài trợ, đồng thời huy động người dân đóng góp kinh phí, công lao động, hiến đất nơi có công trình đường, kênh mương đi qua để cùng với ngân sách xã xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng”. Với phương thức đó, từ năm 2011 đến cuối năm 2015, Phước Nghĩa đã huy động gần 28 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (người dân đóng góp hơn 1,1 tỷ và hiến 10,500m2 để xây dựng các công trình). Đến 5/2015, Phước Nghĩa đã hoàn thành 19/19 TC và đang đề nghị UBND tỉnh công nhận.
Xã Phước An, có Cụm Công nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có tốc độ bức phá xây dựng NTM nhanh nhất. Từ 2011 đến 2014, xã đã huy động được hơn 52 tỷ đồng, (trong đó với hơn 2,6 tỷ đồng là do nhân dân đóng góp xây dựng). Ông Hồ Trung Sơn, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, ngay từ ban đầu, xã không thuộc diện xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015, nhưng với quyết tâm cao, xây dựng vững chắc từng TC; đến tháng 3/2012: xã đạt 13 TC, 12/2013: xã đạt được 16 TC và lúc này xã được chọn vào tốp địa phương xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015; đến 3/2014: xã đạt 19/19 TC và trở thành một trong hai xã đầu tiên của tỉnh Bình Định cán đích NTM trong năm 2014.
Tạo sự chuyển biến mới ở nông thôn
11 xã triển khai xây dựng NTM có xuất phát điểm thấp khi so sánh với 19 tiêu chí TC NTM quy định. Cuối năm 2010, có đến 12/19 TC không xã nào đạt được. Các TC “ mềm” hơn nhưng rất khó thực hiện như môi trường, văn hoá, giáo dục cũng chưa xã nào vươn tới. Tại thời điểm đó, xã Phước Hưng có xuất phát điểm cao nhất với 7 TC, thấp nhất là Phước Nghĩa và Phước Thuận, đạt được 3 TC.
Từ năm 2011 đến nay, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được tập trung đầu tư, hoàn thiện ở 11 xã xây dựng NTM. Cụ thể, đã xây dựng bê tông giao thông nông thôn ở 11 xã với 103 km, đường trục xã, liên xã đạt chuẩn, 70% đường trục thôn được cứng hoá; 60 km kênh mương nội đồng được kiên cố hoá phục vụ tưới tiêu sản xuất; đầu tư, nâng cấp, mở rộng các chợ Tân Thuận ( Phước Thuận), Háo Lễ( Phước Quang), chợ Phước Nghĩa, Chợ Phước Sơn; hơn 77,6 tỷ đồng được đầu tư xây dựng, nâng cấp trường lớp học; hơn 21,1 tỷ đồng được đầu tư xây dựng các nhà văn hoá và khu thể thao,…
Cùng với đó là phong trào nâng cao giá trị sản xuất kinh tế. Nhiều mô hình thực hiện hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất cho kinh tế nông thôn tại Tuy Phước. Mô hình thâm canh lúa trên chân đất 2 vụ lúa cùng với mô hình Cánh đồng mẫu lớn lên tới 1.800ha đã đưa năng suất lúa tăng hơn bình quân chung toàn huyện 9,2tạ/ha/vụ; gần 100% diện tích sản xuất lúa thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch… Tuy Phước cũng đã củng cố, sáp nhập từ 23 hợp tác xã thành 16 hợp tác xã, nâng cao năng lực vốn, sản xuất và lợi nhuận trong hoạt động; 12.260 lao động được tạo việc làm từ các chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm, các chính sách giảm nghèo triển khai thực hiện đồng bộ… mang lại hiệu quả thực chất, giúp 3.863 hộ thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 32,1 triệu đồng/năm, tăng 14,28 triệu đồng so với năm 2010.
Ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết,đến 2015, huyện có 4 xã Phước An, Phước Hưng, Phước Nghĩa và Phước Thành về đích nông thôn mới, hai xã Phước Lộc( đạt 15 TC) và Phước Sơn( đạt 14 TC) sẽ phấn đấu về đích trong năm 2015, 5 xã còn lại đạt từ 8 đến 12 TC sẽ tăng tốc về đích trong giai đoạn 2016- 2020.
Có thể nói, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về “xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015”, phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới phát triển sâu rộng, kinh tế nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư đồng bộ, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện, nâng cao; bộ mặt nông thôn đổi mới, khởi sắc.
Tác giả bài viết: Ngô Hồng Sơn
Ý kiến bạn đọc