Theo Ban nhân dân thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa) hiện nay toàn thôn có 5 xóm, với hơn 600 hộ, thì đã có gần 300 hộ làm nghề trồng hoa kiểng. Đặc biệt, trong đó có khoảng 20 hộ trồng với số lượng lớn lên đến vài ngàn chậu và mức thu nhập bình quân đạt từ 200 – 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 400 lao động nông nhàn ở địa phương. Dựa vào nghề trồng hoa nhiều hộ đã thoát được nghèo, ổn định cuộc sống.
Chúng tôi tìm đến vườn hoa của anh Nguyễn Ngọc Tùng (56 tuổi) ở xóm Bình Trung, người có thâm niên 24 năm theo nghề trồng hoa, cho biết: “Trong vụ hoa năm nay, anh đã đầu tư hơn 50 triệu đồng để trồng 7000 chậu hoa cúc pha lê và 500 chậu cúc nữ hoàng. Đồng thời, nhờ áp dụng kỹ thuật thắp đèn điện ban đêm và theo dõi sự sinh trưởng của cây để điều khiển sự phát triển chiều cao và hoa nở, nên không sợ muộn hoặc sớm”.
Không riêng những vườn hoa cúc mà vườn mai của các hộ dân ở thôn Bình Lâm cũng đã bắt đầu hé nụ chào xuân mới. Anh Trần Văn Thanh (42 tuổi) một hộ trồng mai ở thôn này cho biết : “ Hiện vườn mai của anh có gần 400 chậu từ 5 đến 6 năm tuổi, thời tiết mấy hôm nay rất đẹp, ấm ấm kèm một chút lạnh sẽ làm hoa nở đúng ngay dịp Tết, sâu bệnh cũng rất ít, ước tính 1 chậu khoảng từ 300.000 – 500.000 đồng, trừ công chăm sóc và chi phí, bán ra thì khoảng hơn 70 triệu đồng”.
Đến với làng hoa ở thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, chúng tôi tìm đến vườn hoa của anh Trình Văn Thiều, Trần Văn Dũng và Nguyễn Quốc Thắng nằm bên sườn núi Xuân Mỹ với gần 1.900 chậu cúc pha lê của 3 anh cũng đã nở rộ một màu vàng ươm. Anh Trình Văn Thiều, chia sẻ: “Toàn xã Phước Hiệp có khoảng 70 hộ trồng hoa bán trong dịp Tết năm nay, tập trung chủ yếu ở 5 thôn Luật Chánh, Đại Lễ, Tuân Lễ, Tú Thủy và Xuân Mỹ, nhưng chỉ có anh cùng 2 anh Trần Văn Dũng và Nguyễn Quốc Thắng là trồng hoa chậu, số còn lại chủ yếu là trồng hoa ngoài đất để bán cắm bình. Đến thời điểm này, hơn 2/3 lượng chậu cúc pha lê trong tổng số gần 1.900 chậu của các anh đã được các thương lái ở thành phố Quy Nhơn cũng như tại 2 tỉnh Gia Lai và KonTum đặt mua, với mức giá từ 160.000 đến 500.000đ/ chậu tùy loại lớn nhỏ. Số còn lại các anh sẽ đưa đi bán lẻ tại chợ hoa ở thị trấn Diêu Trì. Nhẩm tính trong vụ hoa tết này mỗi anh sẽ thu lãi về khoảng từ 50 – 70 triệu đồng”.
Có thể nói, sau nhiều năm trồng hoa bà con nông dân ở huyện Tuy Phước đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự nhân giống hoa để trồng, chọn thời điểm cho hoa nở đúng Tết, ai cũng đoàn kết giúp đỡ nhau nên đầu ra dễ dàng và không chỉ trong ngoài huyện biết đến mà nó còn vươn xa ra ngoài tỉnh.
Tác giả bài viết: Xuân Vinh
Ý kiến bạn đọc