Bức phá từ xuất phát điểm thấp
11 xã triển khai xây dựng NTM có xuất phát điểm thấp khi so sánh với 19 tiêu chí (TC) NTM quy định. Theo thống kê tại thời điểm cuối năm 2010, có đến 12/19 TC không xã nào đạt được, đặc biệt là 5 tiêu chí giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, chợ nông thôn. Các TC này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn trong khi đó tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện chậm lại, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Do vậy, khả năng ngân sách từ huyện đến các xã rất khó khăn trước yêu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng đặt ra. Các TC “ mềm” hơn nhưng rất khó thực hiện như môi trường, văn hoá, giáo dục cũng chưa xã nào đạt được. Tại thời điểm đó, xã Phước Hưng có xuất phát điểm cao nhất với 7 TC, thấp nhất là Phước Nghĩa và Phước Thuận, đạt được 3 TC.
Ông Lê Công Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa- xã hầu như còn thuần nông, được chọn làm điểm xây dựng NTM cho biết: “Để có nguồn lực đầu tư, ngoài nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Xây dựng NTM của Trung ương, nguồn vốn tỉnh, huyện, đồng thời tranh thủ huy động đầu tư từ các Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) do cơ quan Phát triển Quốc tế (CIDA) tài trợ, Dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Bộ Ngoại giao Na Uy tài trợ, huy động người dân đóng góp kinh phí, công lao động, đặc biệt là sự hiến đất nơi có công trình đường, kênh mương đi qua để cùng với ngân sách xã xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng”. Với phương thức đó, từ năm 2011 đến cuối năm 2014, Phước Nghĩa đã huy động gần 28 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng(trong đó người dân đóng góp hơn 1,1 tỷ) và người dân đã hiến 10.500m2 để xây dựng các công trình. Đến cuối năm 2014, Phước Nghĩa đã đạt được 17/19 TC, các TC về kết cấu hạ tầng cơ bản đã đạt được.
Phước An, xã bán sơn địa có Cụm Công nghiệp của huyện đang hoạt động, là xã có tốc độ bức phá xây dựng NTM nhanh nhất. Trong 4 năm, xã đã huy động được hơn 52 tỷ đồng, trong đó 2,1 tỷ do các doanh nghiệp và 500 triệu đồng do người dân đóng góp, đầu tư vào các lĩnh vực. Từ 6 TC đạt được năm 2010, đến 6/2014, xã đã hoàn thành xây dựng 19/19 tiêu chí và trở thành một trong hai xã đầu tiên của tỉnh Bình Định cán đích NTM trong năm 2014. Ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, qua 4 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay, toàn huyện có 5 xã đạt từ 14 đến 19 TC; 4 xã đạt từ 9 đến 13 TC và 2 xã đạt từ 5 đến 8 TC.
Tăng tốc để về đích sớm
Đạt được những kết quả khả quan sau 4 năm xây dựng NTM nhưng đến thời điểm này huyện vẫn còn 3 xã chưa đạt TC giao thông, 7 xã chưa đạt TC thuỷ lợi, 9 xã chưa đạt TC trường học và cơ sở vật chất văn hoá, 8 xã chưa đạt TC môi trường, 3 xã chưa đạt tiêu chí thu nhập( 26 triệu đồng/người/năm) v.v…Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế- xã hội mang lại, sự chuyển biến tích cực đời sống vật chất và tinh thần của người dân từ kết quả xây dựng NTM đạt được và sự đồng thuận, đồng lòng của người dân chính là cơ sở để huyện chủ trương đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng NTM trên địa bàn. Theo kế hoạch, 3 xã được chọn điểm và hiện nay đã đạt được 17/19 TC gồm: Phước Thành, Phước Nghĩa, Phước Hưng tăng tốc hoàn tất 2 TC còn lại để về đích vào năm 2015. Huyện đã chỉ đạo 7 xã còn lại rà soát lại chính xác mức độ đạt được ở từng địa phương, xây dựng kế hoạch xây dựng cụ thể để thực hiện theo phương châm TC nào có khả năng đạt được chuẩn phải quyết liệt làm ngay để về đích càng sớm càng tốt, không chờ đến 2020. Cùng với các giải pháp về nguồn vốn đã xác định theo phân cấp trách nhiệm từ Trung ương, tỉnh đến huyện, xã, các xã cần tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đồng lòng, chung sức xây dựng NTM. Có như vậy, huyện mới cán đích sớm mục tiêu NTM.
Tác giả bài viết: Ngô Hồng Sơn
Ý kiến bạn đọc