Kết quả 10 năm, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tuy Phước
UBND huyện Tuy Phướchttps://tuyphuoc.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 01/08/2024 10:371170
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tại huyện Tuy Phước, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, từ huyện đến xã đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, Huyện ủy đã ban hành Công văn số 543-CV/HU ngày 26/5/2015, UBND huyện đã ban hành Công văn số 724/UBND-VX, ngày 31/8/2015 để chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đóng trên địa bàn huyện và UBND các xã, thị trấn đã tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong 10 năm qua, các cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm chỉ đạo và xác định vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn thành lập và duy trì hoạt động ổn định 242 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn/tổ dân phố trong huyện, đây là cầu nối giữa các đối tượng thụ hưởng và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, là kênh dẫn vốn nhanh chóng, thuận lợi, thông qua 13 điểm giao dịch xã cố định hàng tháng trong toàn huyện. Tại các điểm giao dịch xã, Ngân hàng thực hiện nghiệp vụ giải ngân, thu nợ trực tiếp đến khách hàng, có sự chứng kiến, giám sát của cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ngoài nghiệp vụ cho vay, thu nợ, tại điểm giao dịch, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn tổ chức huy động tiền gửi tiết kiệm nhàn rỗi trong dân cư, để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.
Tính đến ngày 31/05/2024, tổng nguồn vốn đạt 630.893 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cho vay đạt 77.310 triệu đồng (nguồn vốn ngân sách tỉnh 61.856 triêu đồng và ngân sách huyện là 15.454 triệu đồng); tổng dư nợ đạt 620.662 triệu đồng, với 12.324 khách hàng, của 14 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi đang đang còn dư nợ, dư nợ tăng 393.801 triệu đồng; nợ quá hạn giảm từ 1.961 triệu đồng, xuống còn 688 triệu đồng (giảm 1.273 triệu đồng) so với thời điểm có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Mô hình chăn nuôi được đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội
Vốn tín dụng đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học, xóa nhà ở đơn sơ theo chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn; hỗ trợ người lao động vay vốn để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,… góp phần đảm bảo an sinh xã hội, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững;../.