UBND huyện Tuy Phướchttps://tuyphuoc.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 12/05/2024 15:156060
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.
Xác định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống và xã hội, nhất là trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao và Đô thị văn minh hiện nay. Thời gian qua, phong trào này luôn được các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm, tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong toàn xã hội và đã trở thành phong trào thi đua thường xuyên trong đời sống của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia giữ gìn cảnh quan khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư xanh - sạch - đẹp - an toàn được quan tâm đẩy mạnh, với phương châm “Sống làm theo Hiến pháp và Pháp luật”, trách nhiệm chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được đề cao và thực hiện có hiệu quả. Lối sống văn minh, sống đẹp được hình thành, việc cưới, việc tang, lễ hội đã được triển khai sâu rộng, tạo được sự đồng tình hưởng ứng của các tổ chức chính trị - xã hội và đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia. Trong việc cưới, các thủ tục được đơn giản hoá, gọn nhẹ, không có hiện tượng ép gả, tảo hôn. Trong việc tang, các nghi lễ không trái với pháp luật, hương ước, quy ước ở khu dân cư. Hoạt động các lễ hội hàng năm được duy trì, tổ chức đúng quy định và đã thực sự trở thành ngày hội mang đậm sắc thái của từng địa phương. Đặc biệt, từ khi phát động phong trào “TDĐKXDĐSVH” đến nay, mục tiêu xây dựng gia đình văn hoá được đưa vào Nghị quyết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng được nâng cao chất lượng. Việc đăng ký thi đua và bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa được thực hiện công khai dân chủ, đúng quy định nên đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa ở gia đình, khu dân cư, công sở.
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng Thôn văn hóa, Khu phố văn hóa được đông đảo cán bộ, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia hưởng ứng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các xã, thị trấn đã chỉ đạo từng thôn, khu phố sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước phù hợp với tình hình và xu thế phát triển mới; phổ biến, triển khai những tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá để Nhân dân biết và thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 94,35% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”. Nhờ đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình trong các phong trào khuyến học, khuyến tài; xây dựng xã hội học tập; thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo; tham gia giữ gìn, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư; đền ơn đáp nghĩa; tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp...Có 101/101 thôn, khu phố đạt Khu dân cư văn hóa, 13/13 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới và đô thị văn minh giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, có 03 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, hiện nay có 02 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới nâng cao” và “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới kiễu mẫu”.
Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phong trào “TDĐKXDĐSVH” của huyện Tuy Phước chính là sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc hoàn thiện các thiết chế văn hoá, thể thao. Qua quá trình triển khai thực hiện, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp huyện và các xã, thị trấn cơ bản được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thaochongười dân, góp phần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết.Hiện nay, 13/13 xã, thị trấn có Trung tâm Văn hoá – Thể thao hoặc Nhà văn hóa - Khu thể thao, 101/101 thôn, khu phố có Nhà văn hóa - Khu thể thao được đầu tư các trang thiết bị: bàn ghế, hệ thống âm thanh, ánh sáng, tủ sách,…được các địa phương đưa vào sử dụng phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, nâng cao thể chất của Nhân dân.Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất kinh doanh các hoạt động thể dục thể thao, câu lạc bộ văn hóa – văn nghệ; các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân, vừa phát huy công năng các thiết chế văn hoá, thể thao tại cơ sở. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và tổ chức thực hiện thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được đào tạo cơ bản, đã phát huy tốt năng lực, nhiệt tình, tâm huyết với các hoạt động phong trào;…
Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo bước chuyển biến rõ rệt, góp phần nâng cao ý thức tự quản ở khu dân cư, khơi dậy, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái và làm cho các giá trị thấm sâu vào mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng huyện Tuy Phước ngày càng giàu đẹp, văn minh sớm đạt chuẩn huyện Nông thôn mới nâng cao./.