Tại buổi giao lưu, các em học sinh được nghe các nghệ sĩ, nghệ nhân của nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh giới thiệu sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật Tuồng; đặc trưng cơ bản và nét độc đáo của nghệ thuật Tuồng Bình Định; giới thiệu và minh họa một vài câu thai trong nghệ thuật Bài chòi; giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật Ca kịch Bài chòi Bình Định.
Ngoài ra, các em học sinh và thầy cô giáo được thưởng thức trích đoạn Tuồng “Nhị khí Chu Du” trong vở “Giang Tả cầu hôn”; một vài câu thai trong nghệ thuật Bài chòi, một vài làn điệu cơ bản của ca kịch Bài chòi và trích đoạn Ca kịch Bài chòi “Đêm Phú xuân” trong vở “Anh hùng với giai nhân”. Trong buổi giao lưu Ban tổ chức cũng giành thời gian trả lời một số câu hỏi, giải đáp thắc mắc của các em học sinh liên quan đến nghệ thuật truyền thống.
Thông qua hoạt động nhằm giúp các em học sinh có thêm những kiến thức bổ ích, lý thú về chương trình giáo dục địa phương, về loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng văn hóa Bình Định; ươm mầm tình yêu nghệ thuật Tuồng, Ca kịch Bài chòi trong mỗi học sinh, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật Tuồng Hát bội-di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghệ thuật Bài chòi-di sản của nhân loại./.