UBND huyện Tuy Phướchttps://tuyphuoc.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 18/10/2023 13:433300
Ngày 08/10/2023 (24.8 âm lịch), tại Từ đường tộc họ Lê ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (H.Tuy Phước), UBND huyện Tuy Phước đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 176 ngày mất cụ Lê Đại Cang (1847 - 2023), vị quan trải qua 3 đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Tham dự lễ giỗ, về phía tỉnh có đồng chí Mai Thanh Thắng - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh. Về phía huyện, có đồng chí Nguyễn Hùng Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; lãnh đạo xã Phước Hiệp; Hội đồng họ Lê tỉnh Bình Định, huyện Tuy Phước; con cháu gia tộc họ Lê và đoàn đại biểu Hội khoa học lịch sử tỉnh An Giang.
Được biết, cụ Lê Đại Cang tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, biệt hiệu Cư Chính Thị, sinh năm Tân Mão (1771) tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, tỉnh Bình Định, là cháu 6 đời của công thần Lê Công Triều. Ông là một vị quan triều Nguyễn trải qua 3 đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị.
Trong gần 41 năm làm quan, từ chức tri huyện tới chức quyền Tổng trấn, Tổng đốc, Thượng thư, Tham tán đại thần…, cụ Lê Đại Cang đã thực thi nhiệm vụ ở khắp 3 miền đất nước trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao. Ông đã có những đóng góp rất đáng quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như: Chỉ huy đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, đắp đê sông Hồng mới; giải oan và trừng phạt nhiều quan lại tham nhũng ở Hà Nội và vùng phụ cận; xây mới thành An Giang; chấn chỉnh quân đội, huấn luyện binh sĩ; khai mở đường thủy từ sông Tiền ở Tân Thành thẳng đến sông Hậu ở Châu Đốc;…
Đại biểu tham dự tại buổi lễ
Sự nghiệp cụ Lê Đại Cang trải dài gần 41 năm qua 3 triều vua thời kỳ đầu triều Nguyễn. Trong suốt sự nghiệp, ông đã thực hiện tốt công việc khi làm quan cai trị những vùng đất hiểm yếu, lúc đánh giặc ngoại xâm và tham gia trong lục bộ, kinh tế, ngoại giao. Trong đó, vai trò của Lê Đại Cang khi làm Tổng đốc An Hà kiêm bảo hộ Chân Lạp có vị thế đặc biệt quan trọng trong việc an dân, giữ vững bờ cõi, tạo thành trì phía Tây Nam Tổ quốc. Bên cạnh đó, khi làm Tổng đốc đầu tiên tỉnh An Hà, Lê Đại Cang còn có công lớn trong việc xây thành An Giang, khai đào tuyến đường thủy.
Ngoài ra, cụ Lê Đại Cang được sử sách triều Nguyễn ghi nhận, đánh giá là có nhiều công lao trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Cuộc đời chốn quan trường có nhiều thăng trầm tuy nhiên ông luôn nêu cao tấm gương sáng của một kẻ sỹ luôn tận tụy vì nước, vì dân, là bậc quốc sỹ để đời sau kính nể, học tập. Tháng 10/1842, năm ông 72 tuổi, cụ Lê Đại Cang xin về hưu, được vua Thiệu Trị chuẩn y. Năm 1842, Lê Đại Cang hồi hương. Ông khôi phục từ đường họ Lê ở làng Luật Chánh, lập ra chùa Giác Am để tu tâm dưỡng tính và lấy hiệu là Giác Am cư sĩ và lập Văn chỉ Tuy Phước làm nơi tụ họp văn nhân Tuy Phước khuyến tài khuyến học. Ngày nay Văn Chỉ là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống hiếu học cho hậu thế;…/.
Tác giả bài viết: Nguyệt Ánh - Trung tâm VH-TT-TT- huyện