Trong nhiều năm qua, UBND huyện Tuy Phước đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, nuôi trồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền vận động ngư dân chấp hành lịch thời vụ, tuân thủ quy trình kỹ thuật, xử lý kịp thời các ao hồ nuôi tôm bị dịch bệnh. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt thủy sản năm 2015 đạt 3.890 tấn, đạt 95,34% so Nghị quyết, tăng 27,33% so năm 2010. Riêng năm 2016 sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 4.228 tấn, đạt 105,7%, tăng 5,84% so cùng kỳ.
Toàn huyện có 4 xã ven Đầm Thị Nại gồm: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 971 ha, hơn 2.000 lao động, 837 tàu thuyền cơ giới, phương tiện thủ công 447 chiếc, với 1.970 lao động khai thác thủy sản truyền thống. Hầu hết, cộng đồng dân cư đều chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước thực hiện tốt việc nuôi trồng, chế biến hải sản trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên vùng Đầm Thị Nại (thuộc địa bàn Tuy Phước) đã phát sinh một số nghề cấm khai thác thủy sản như: Giã cào, máy hút, xung điện xiết máy; trong đó, có hơn 500 hộ sử dụng nghề lưới lồng, 38 ghe sử dụng kích điện, xuồng máy, khoảng 110 bộ xiết, 8 bè nổi sử dụng bơm hút và khai thác thủy sản, làm hủy hoại môi trường và làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Đồng chí Nguyễn Đình Thuận - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cũng đã nêu một số vấn đề khó khăn về nguồn lực đầu tư cho việc quản lý thủy sản chưa nhiều, điều kiện trang thiết bị kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trong khai thác, nuôi trồng chế biến thủy sản. Huyện đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với UBND huyện tổ chức đối thoại với các hộ làm nghề truyền thống và các hộ sử dụng lưới lồng để có tiếng nói chung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trong nuôi trồng, khai thác thủy sản tại địa phương. Đồng thời, kiến nghị Đoàn giám sát Quốc hội rà soát, bổ sung, điều chỉnh một số điều trong Luật thủy sản bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị lãnh đạo UBND huyện Tuy Phước tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Đoàn giám sát, tập trung làm rõ những nguyên nhân hạn chế, vướng mắc về việc thực hiện chính sách pháp luật trong nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, bổ sung hoàn thiện báo cáo. Đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống xung điện xiết máy trên vùng Đầm, tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm cụ thể hóa chính sách, pháp luật đối với tổ chức, cá nhân, khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biểngắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tác giả bài viết: Lệ Hiền
Ý kiến bạn đọc