Mô hình CNDRĐ được thực hiện tại xã Phước Quang trên diện tích 50 ha sản xuất lúa với 384 hộ nông dân ở địa phương tham gia. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện là đơn vị xây dựng quy trình canh tác lúa, hướng dẫn nông dân sử dụng dụng cụ sạ hàng, đưa ra các giải pháp quản lý đồng ruộng. HTXNN Phước Quang tham gia phối hợp hỗ trợ và triển khai thực hiện mô hình. 384 hộ nông dân ở 2 thôn Định Thiện Tây và Định Thiện Đông được tập huấn kỹ thuật và trực tiếp thực hiện quy trình canh tác trên đồng ruộng của mình với sự hỗ trợ tư vấn của cán bộ kỹ thuật.
Quy trình sản xuất từ khâu làm đất, ngâm ủ, xử lý giống, bón phân, quản lý dịch hại đến khâu thu hoạch lúa đều được các tổ kỹ thuật phối hợp với bà con nông dân trao đổi thảo luận và thống nhất triển khai. Theo hướng dẫn, nông dân sử dụng giống lúa lai BIO 404 để gieo sạ với mật độ 2kg/sào (500m2), áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa thâm canh theo quy trình canh tác tổng hợp 3 giảm 3 tăng, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Trong quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật cùng ra đồng với bà con nông dân để kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển của cây lúa, phát hiện và giúp bà con nông dân nhận biết những hạn chế, tồn tại trong quá trình đầu tư, chăm sóc và hướng dẫn nông dân các biện pháp bảo vệ cây lúa một cách hiệu quả nhất. Nhờ vậy, diện tích lúa trong mô hình sinh trưởng rất đồng đều, cho năng suất cao, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nông dân.
Mới đây, Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước đã tổ chức Hội thảo đầu bờ mô hình CNDRĐ. Tại Hội thảo, các ngành chức năng đã đánh giá cao hiệu quả kinh tế của mô hình này. Theo đó, năng suất lúa đạt 72,2 tạ/ha, cá biệt có vùng đạt 80 tạ/ha. Đối chứng với ruộng ngoài mô hình nông dân sử dụng giống ĐV108 bị sâu bệnh gây hại nặng, nhất là bệnh thối thân, thối gốc và rầy nâu; năng suất lúa chỉ đạt bình quân 62-63 tạ/ha. Theo tính toán của những hộ dân trực tiếp thực hiện mô hình, trên cùng một diện tích sản xuất, nếu áp dụng mô hình CNDRĐ đã giảm đáng kể chi phí đầu tư thông qua việc hạn chế lượng giống gieo sạ, thuốc bảo vệ thực vật và lượng phân bón, nhưng năng suất lúa đạt cao hơn từ 9-10 tạ/ha, lợi nhuận đạt trên 11 triệu đồng/ha.
Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tuy Phước, cho biết: Chương trình CNDRĐ là mô hình cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách tam nông, là cầu nối giữa bà con nông dân với các nhà khoa học trong việc chuyển giao các tiến bộ KHKT. Trong quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật cùng với nông dân ra đồng, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn các biện pháp canh tác lúa, giúp bà con nông dân thay đổi dần những tập quán canh tác chưa phù hợp, giảm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế… Huyện Tuy Phước hiện có trên 7.500 ha đất trồng lúa, nếu nhân rộng mô hình CNDRĐ sẽ giảm được chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Tác giả bài viết: Đào Duy Quốc – sưu tầm từ Báo Bình Định
Ý kiến bạn đọc