Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HND huyện, mọi hoạt động Hội đều hướng về cơ sở, cùng Hội Nông dân xã, thị trấn tăng cường giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế (PTKT), xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Phối hợp với các cấp, các ngành chức năng tổ chức hàng chục lớp tập huấn dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) trong trồng trọt và chăn nuôi. Trong năm 2010 và đầu năm 2011, Hội phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y huyện mở 172 lớp tập huấn chuyên đề chuyển đổi mùa vụ cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản có đến 22.554 lượt cán bộ, hội viên tham gia. Phối hợp các ngành thực hiện 47 mô hình, như mô hình “Cùng nông dân ra đồng” với qui mô diện tích 50 ha lúa tại xã Phước Quang, có 380 hộ nông dân tham gia; mô hình “thâm canh lúa thích ứng vùng ngập mặn” triển khai tại 2 xã Phước Sơn và Phước Hòa; mô hình ‘3 giảm, 3 tăng” sử dụng công cụ sạ hàng, giảm mật độ sạ, giảm đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu; mô hình thâm canh lúa lai đạt chất lượng cao triển khai ở xã Phước Thắng; mô hình chăn nuôi “an toàn sinh học” nuôi gà thịt, gà Ai Cập lấy trứng, nuôi bò vỗ béo triển khai tại 2 xã Phước Lộc và Phước Thuận; mô hình nuôi thủy sản tổng hợp “thân thiện với môi trường” tại các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hòa… đều cho kết quả khả quan mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh, các cấp HND trong huyện triển khai tốt Đề án 460 của HND Việt Nam “Về vai trò nhiệm vụ của HND trong hoạt động dịch vụ hổ trợ nông dân và tham gia tổ chức kinh tế hợp tác ở nông thôn”, quan tâm đến việc giải quyết nguồn vốn vay và tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Các cấp HND trong huyện đều xây dựng quỹ hổ trợ nông dân, tham mưu với chính quyền địa phương trong việc triển khai, tổ chức, vận động hội viên gia nhập tổ vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD). Phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện giải ngân vốn vay kịp thời cho hội viên đầu tư phát triển kinh tế. Tính đến nay, nguồn vốn vay do Hội quản lý lên hơn 88,7 tỉ đồng, với 11.080 lượt hộ nông dân vay đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, làm kinh tế trang trại, phát triển ngành nghề truyền thống, giải quyết việc làm nông nhàn ổn định đời sống cán bộ, hội viên.
Đến nay, toàn huyện Tuy Phước có 8.284 hội viên được các cấp công nhận danh hiệu “Nông dân SXKD giỏi”, trong đó có hai hội viên đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp Trung ương. Các hội viên nông dân SXKD giỏi còn làm đầu tàu giúp đỡ hội viên khó khăn về nguồn vốn, cho mượn vật tư, cây – con giống, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau PTKT làm giàu chính đáng. HND các cấp còn hổ trợ nông dân tìm việc làm ở các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Riêng năm 2010 đã tạo việc làm mới cho 3.313 nông dân được hội viên đồng tình hưởng ứng.
Từ sự chăm lo thiết thực đời sống của nông dân, mà uy tín các cấp HND ngày càng một nâng cao thu hút đông đảo hội viên xin vào tổ chức Hội. Đến nay, tổng số hội viên nông dân trong toàn huyện lên đến 33.469 người, xây dựng 6.021 hội viên nòng cốt.
Tác giả bài viết: Ngô Hồng Sơn – Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc