Là huyện có phong trào làm kinh tế VAC phát triển mạnh, lĩnh vực vườn có diện tích lên đến 3.000 ha và gần 1.000 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, với nguồn lao động khá dồi dào đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp (KTNN) huyện trong những năm qua liên tục tăng trưởng khá, năm 2010 KTNN tăng 5% và chiếm 39% trong tổng sản phẩm kinh tế địa phương, trong đó kinh tế VAC đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng KTNN.
Để giúp hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật làm kinh tế VAC, Hội LV huyện phối kết hợp với Hội LV cấp trên và các ngành chức năng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho cho hàng nghìn lượt hội viên chuyển giao về kỹ thuật trồng rừng, trồng rau sạch; kỹ thuật phát triển mô hình kinh tế VACR toàn diện, kỹ thuật nuôi tổng hợp thuỷ sản theo hướng thân thiện với môi trường đưa sản lượng tôm nuôi tăng 7%/năm, nuôi cá trong ruộng lúa, kỹ thuật thâm canh lúa theo phương pháp ‘3 giảm, 3 tăng”, thâm canh lúa lai chất lượng cao; chăn nuôi bò, heo, gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Hội còn chuyển giao đến tận hội viên nông dân các tờ tin nông nghiệp, tạp chí làm kinh tế vườn, hàng nghìn tờ bướm kỹ thuật cây trồng, vật nuôi… làm tài liệu cho các buổi sinh hoạt, giúp hội viên từng bước có kiến thức, nắm bắt kịp thời thông tin, áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhằm thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi. Trong đó, cải tạo vườn tạp, đất đồi gò trồng cây công nghiệp, hoa, cây cảnh trên diện tích 710 ha cho thu nhập từ 50 – 120 triệu đồng/ ha/năm.
Các trang trại chăm sóc tôm nuôi
Hội LV huyện khuyến khích hội viên đầu tư vốn làm kinh tế trang trại và thành lập Câu lạc bộ làm kinh tế trang trại để cho hội viên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến ứng dụng các thành tựu khoa học kỷ thuật giúp đỡ nhau trong xây dựng và phát triển kinh tế trang trại. Đến nay, cả huyện có 60 trang trại (trong đó 1 trang trại trồng cây lâu năm, 25 trang trại chăn nuôi, 11 trang trại lâm nghiệp và 23 trang trại nuôi trồng thuỷ sản). 60 trang trại trên có mức thu nhập ban đầu hơn 4,8 tỉ đồng/năm. Để tạo vốn cho hội viên đầu tư phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại các cấp Hội biết tranh thủ các nguồn vốn giải quyết việc làm, nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT, quỹ hổ trợ nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh cho hội viên vay hơn 40,4 tỉ đồng, góp phần làm kinh tế VAC của huyện có bước tiến vững chắc, sử dụng hợp lý tiềm năng đất đai, lao động, nguồn vốn giúp các hội viên xoá được đói, giảm được nghèo, tăng nhanh hộ giàu.
Tuy nhiên, đất đai và nguồn lao động vẫn chưa được khai thác hết, nên đời sống nhân dân tuy có nâng lên nhưng chưa cao, chưa đều, tập quán canh tác cũ vẫn còn là những hạn chế cần khắc phục, để phong trào làm kinh tế VAC ở huyện Tuy Phước phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm đến.
Tác giả bài viết: Ngô Hồng Sơn – Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc