Để giúp nông dân canh tác lúa hợp lý, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm và đưa các giống lúa lai vào sản xuất tạo bước đột phá về năng suất. Vụ Thu năm 2010, được sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông và Công ty Bioseed Việt Nam xã Phước Thắng đã triển khai mô hình sản xuất 4 ha giống lúa lai 3 dòng BIO 404 và 5 ha sạ bằng giống lúa DV108 canh tác theo phương pháp “3 giảm” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm phun thuốc trừ sâu, giảm bón phân đạm) “3 tăng” (tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản, tăng hiệu quả kinh tế) tại thôn Thanh Quang với 51 hộ nông dân tham gia. Các hộ chọn thực hiện mô hình được Nhà nước hổ trợ 60% giá giống và 40% giá vật tư nông nghiệp và đều được tập huấn kỹ thuật ngâm ủ giống, làm đất, bón lót phân lân, gieo sạ bằng công cụ sạ hàng với mật độ 5 kg/sào đối giống lúa thuần, 2kg/sào đối giống lúa lai. Quá trình chăm sóc bón phân cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu… Bên cạnh cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông thường xuyên kiểm tra sâu sát cùng với nông dân ra đồng “cầm tay chỉ việc bằng mắt thấy, tay làm” nên kết quả lúa trong mô hình phát triển khá tốt chống được đổ ngã, mặc dù cùng thời điểm nhiều diện tích lúa ngoài mô hình bị sâu đục thân, rầy nâu gây hại, bị bệnh thối thân và gặp mưa lớn lúa Thu bị đổ ngã làm giảm năng suất.
Ông Lê Văn Hiến một trong 51 hộ tham gia cả 2 mô hình có nhận xét: “Tui làm 3 sào sạ hàng giống lúa lai 3 dòng BIO404, nó đẻ rất khoẻ dễ chăm sóc, đầu tư không cao như lúa thuần, chống chịu tốt sâu bệnh, lúa cứng cây không đổ ngã và đặc biệt chống được nạn rầy nâu, rầy lưng trắng, thời gian sinh trưởng hơn 100 ngày, năng suất lúa đã thu hoạch đạt 75 tạ/ha. Còn giống lúa DV 108 tui sạ 5 kg/sào cũng bằng máy sạ hàng, bón phân và phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật đã giảm được chi phí đầu tư gần 100 nghìn đồng/sào, năng suất lúa lại tăng so với ruộng không áp dụng 3 giảm tăng tới 3,5tạ/ha”.
Để đánh giá và triển khai nhân rộng mô hình, Trạm Khuyến nông huyện và Công ty Bioseed Việt Nam phối hợp cùng UBND xã Phước Thắng và HTX 1 Phước Thắng tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả thực tế của 2 mô hình. Qua thực tiễn cho thấy với phương pháp thâm canh lúa lai BIO404 chất lượng cao, năng suất đạt 71,5 tạ/ha, tăng 10,3 tạ/ha so ruộng đối chứng sạ lúa thuần DV108, lãi ròng so ruộng đối chứng hơn 4,6 triệu đồng/ha, chi phí sản xuất 1 kg thóc giảm 296 đồng so với lúa thuần cùng gieo sạ trên chân đất. Đối với mô hình “3 giảm, 3 tăng” trên diện tích 5 ha sạ giống DV108 giảm được lượng giống gieo sạ từ 8kg/ sào xuống còn 5 kg/sào, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất thực thu 62,7 tạ/ha, tăng so ruộng đối chứng 3,7 tạ/ha và lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng trên 2,5 triệu đồng/ha. Từ thực tiễn mô hình sản xuất lúa lai 3 dòng BIO404 và mô hình thâm canh theo phương pháp “3 giảm, 3 tăng” do ngành chức năng chuyển giao, triển vọng sẽ giúp cho nông dân địa phương đưa vào ứng dụng rộng rãi ở vụ Đông Xuân 2010-2011 tới./.
Tác giả bài viết: Ngô Hồng Sơn – Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc