Ông Nguyễn Văn Dũng, phụ trách Khuyến ngư xã Phước Hoà, cho biết: “Diện tích nuôi tôm toàn xã lên tới 327 ha, chiếm 1/3 diện tích nuôi tôm cả huyện. Những năm qua dịch tôm liên tiếp xảy ra đã làm cho đời sống kinh tế bà con nuôi tôm gặp khó khăn. Mô hình nuôi tổng hợp TCC do Trung tâm KN-KN tỉnh và Phòng NN-PTNN huyện triển khai tại địa phương chúng tôi là nhằm hổ trợ kỹ thuật giải quyết được vấn đề tình hình dịch tôm để từ đó bà con áp dụng làm theo”.
Anh Ngô Văn Giao, ở thôn Huỳnh Giản Bắc được chọn thực hiện mô hình trên diện tích 8.000m², trong đó 3.000² làm ao lắng và 5.000m² ao nuôi. Dưới sự giám sát kỹ thuật của ngành chuyên môn trong tháng 4.2010 anh Giao đã tiến hành cải tạo tẩy rửa đáy ao, bón vôi gần 2 tấn vôi bột, lấy nước vào ao dùng 25kg SAPÔNIN diệt các loài cá tạp và diệt khuẩn bằng thuốc IODIN 1 lít/5,000m², giữ mực nước ở ao khoảng 1 mét rồi bón phân URE và NPK 3kg/1.000m² để gây màu ao nuôi tạo thức ăn tự nhiên và sau 1 tháng cải tạo (4.5.2010) đưa vào thả nuôi 5 vạn tôm sú giống đã qua kiểm dịch chặt chẽ (mật độ bình quân 10 con/² ), 1.000 con cua giống và 250 con cá chua. Anh Giao, cho biết: “Khi được chọn thực hiện mô hình nói thiệt lúc đầu tui không tin tưởng mấy sợ không thành công, bỡi vùng nuôi này không năm nào là không bị dịch bệnh. Nhưng dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ KN-KN, qua 1 tháng nuôi tui kiểm tra thấy tôm lớn nhanh, tôm, cua, cá phát triển đồng đều lúc này mới tin tưởng tuyệt đối. Đến hết tháng thứ 3 tui bắt đầu thu được 600 kg tôm sú (400kg tôm 33 kg/con, 100kg tôm 40 con/kg và 100kg tôm 70 con/kg), cua thu được 30kg và cá chua thu được 90 kg. Tính trừ chi phí đầu tư con giống, thức ăn hơn 39 triệu đồng, tui còn lợi nhuận được trên 48 triệu đồng. Lúc thu hoạch bà con trong vùng nuôi đến xem rất đông và ai cũng hài lòng với kết quả của mô hình. Điều đáng nói suốt quá trình nuôi không hề sử dụng giàn đập khuấy đảo nước tiết kiệm được 7 triệu đồng tiền dầu”.
Trong cuộc Hội thảo mô hình nuôi tổng hợp TCC của hộ anh Ngô Văn Giao, do Trung tâm KN-KN tỉnh, Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước tổ chức tại xã Phước Hoà, bà con nuôi tôm ở địa phương đã hiểu được lợi ích của việc nuôi ghép vừa giảm được chi phí, giảm được rủi ro “ít mà chắc ăn”, đây cũng là triển vọng đối với vùng nuôi tôm Phước Hoà một vùng nuôi thuỷ sản luôn đối đầu dịch bệnh, mở ra hướng nuôi tổng hợp TCC thân thiện với môi trường là giải pháp tích cực tránh được rủi ro, thua lỗ triền miên.
Tác giả bài viết: Ngô Hồng Sơn – Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc