Theo báo cáo của Ban Chỉ huy BVR và PCCCR huyện Tuy Phước, từ năm 2007 đến nay trên địa bàn huyện chỉ xảy ra 2 vụ cháy thực bì, không gây thiệt hại về rừng, nhưng không vì thế mà chủ quan bỡi rừng trọng điểm dễ cháy hầu hết là các loại rừng trồng chủ yếu là keo, bạch đàn, điều, phi lao tập trung ở vùng núi thấp, bãi bằng và vùng ven biển. Thực bì dưới tán rừng là cỏ tranh, lau lách, cây bụi, về mùa khô rất dễ bị bắt lửa. Mặt khác, có một bộ phận người dân sống gần rừng không có việc làm, đời sống khó khăn nên đã lén lút vào rừng chặt cây lấy gỗ, củi, đốt than, săn bắt thú rừng, đốt tổ ong thường diễn ra nhất là các vùng rừng giáp ranh với các huyện Vân Canh – Phù Cát – An Nhơn và thành phố Quy Nhơn nên không những gây thiệt hại đến tài nguyên rừng mà còn gây nguy cơ cháy rừng cao.
Để làm tốt công tác PCCCR trong những tháng mùa khô, từ đầu năm đến nay, huyện đã củng cố kiện toàn Ban Chỉ huy BVR và PCCCR cấp huyện bao gồm lực lượng Kiểm lâm, Công an, Huyện đội… phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên hoạt động theo qui chế và phương án PCCCR giai đoạn 2011-2015. Thành lập 7 Ban Chỉ huy BVR và PCCCR xã, thị trấn và 1 chủ rừng với 120 người tham gia; củng cố 15 tổ BVR và PCCCR ở cơ sở biên chế 200 người (chủ yếu lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng BVR và nhân dân trong khu vực có rừng) có kinh nghiệm trong công tác PCCCR, tập huấn công tác PCCCR cho từng thành viên, tổ BVR. Cùng với lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng thường xuyên canh lửa ở các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy, khi phát hiện cháy rừng kịp thời dập tắc lửa đồng thời báo cáo cho Ban Chỉ huy các cấp huy động lực lượng chữa cháy. Hướng dẫn các chủ rừng thực hiện phát, đốt, dọn thực bì trước và sau khai thác đúng theo quy trình, xây dựng các chòi canh lửa, đường băng cản lửa. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện và công cụ phục vụ cho công tác PCCCR, thiết lập các biển báo cấm lửa và bảng biểu tuyên truyền để người dân nhận biết tham gia. Theo ông Trần Duy An, Ủy viên thường trực Ban Chỉ huy BVR và PCCCR huyện Tuy Phước, thì phương tiện xe ô tô, các thiết bị ống nhòm, áo chống lửa, máy cắt thực bì, đèn pin, máy thổi gió và công cụ bình đông đựng nước, giày vải, mũ nhựa, rựa… đã được cấp trên trang bị cho các tổ BVR phục vụ công tác PCCCR. Trong tháng 3.2011, UBND huyện Tuy Phước đã ban hành Quyết định về Phương án PCCCR giai đoạn 2011-2015 làm cơ sở pháp lý để các ban ngành, địa phương làm tốt công tác BVR, PCCCR, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản và động vật hoang dã trên địa bàn huyện một cách hiệu quả.
Công nhân Công ty TNHH Lâm Nghiệp Quy Nhơn phá dọn đường băng cản lửa PCCR phòng hộ ven biển thôn Huỳnh Giản (xã Phước Hòa)
Huyện xây dựng mạng lưới thông tin về dự báo cháy rừng duy trì trực 24/24 giờ hàng ngày. Xác định vùng trọng điểm dễ cháy trên diện tích rừng trồng 911ha ở các xã Phước An, Phước Thành và Phước Hòa nhằm tăng cường tuần tra phát hiện kịp thời điểm cháy báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắc ngay. Bên cạnh, đẩy mạnh công tác phối hợp với ngành chức năng, hội đoàn thể thường xuyên tuyên truyền trên đài truyền thanh huyện và cơ sở, nâng cao nhận thức của cộng đồng trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội về công tác PCCCR; tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về PCCCR, bảo vệ rừng phù hợp điều kiện từng vùng và từng địa phương nơi có rừng, ký cam kết BVR và PCCCR…
Công tác BVR và PCCCR đang hướng tới xã hội hoá, người dân hiểu được lợi ích của rừng nên thật sự làm chủ, còn cán bộ Kiểm lâm chỉ là người gác rừng cùng chủ rừng và nhân dân tham gia giữ rừng để cho những cánh rừng luôn bình yên xanh tốt phục vụ sự sống của chúng ta.
Tác giả bài viết: Lê Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc