Đồng chí Hồ Ngọc Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám Đốc HTXNN Phước Sơn 1 cho biết: “HTX có 6 khâu dịch vụ: Khuyến nông, Công tác sản xuất lúa giống và tiêu thụ sản phẩm , thủy lợi-bảo nông nội đồng, cung ứng vật tư nông nghiệp, tín dịng nội bộ, máy cuốn rơm.. trong những năm qua HTX hoạt động có nhiều hiệu quả, phục vụ tốt cho các thành viên trong HTX, Dịch vụ tín dụng đã giúp cho nhiều thành viên vay vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất; dịch vụ liên kết sản xuất lúa giống và tiêu thụ sản phẩm đã giúp cho bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng xuất và chất lượng sản phẩm”
Trong năm qua, trên cơ sở chỉ đạo của huyện và xã, Hội đồng quản trị tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá và triển khai kế hoạch sản xuất từng vụ, thành lập Ban chỉ đạo sản xuất và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để phối hợp với thôn, xóm tổ chức họp và phổ biến chủ trương kế hoạch sản xuất. HTX xác định Mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là hình thức tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết với nông dân và Doanh nghiệp, tập hợp những nông dân nhỏ lẻ tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới, giải quyết đầu ra ổn định và có lợi cho người nông dân thoát nghèo tăng trưởng kinh tế; HTX đã chủ động liên kết với Trạm Bảo vệ thực vật huyện tiến hành thăm đồng thường xuyên để điều tra tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng theo mùa vụ, kịp thời thông báo đến toàn thể xã viên có biện pháp phun trừ kịp thời, có hiệu quả. Kết quả năng suất bình quân của năm đạt 71,5 tạ/ha.
Về khâu sản xuất lúa giống, HTX bố trí sản xuất trên diện tích 6,5 ha lúa ĐV108, trong năm dịch vụ đã cung ứng nhu cầu của thành viên, kết hợp nguồn giống nông hộ trong thành viên nên đảm bảo nhu cầu giống trong từng mùa vụ. Ðối với khâu dịch vụ thủy nông, HTX triển khai và nạo vét kênh mương theo định kỳ, tiếp nhận và điều tiết nước phục vụ đủ 100% diện tích gieo sạ, ngoài ra còn thường xuyên vớt bèo lục bình trên các tuyến kênh mương để khơi thông dòng chảy; hàng vụ đều đầu tư kinh phí trám trít cửa tràn mặn đê khu Đông chống nước mặn rò rỉ lên đồng ruộng... Chính nhờ làm tốt khâu dịch vụ thủy nông nên các diện tích luôn tưới tiêu kịp thời, năng suất lúa ổn định, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào thâm canh và ngày càng mở rộng diện tích. Không chỉ làm tốt công tác thủy nông, HTXNN Phước Sơn 1 còn làm tốt dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, với 03 quầy hàng trải đều trên địa bàn, áp dụng phương thức vừa bán tiền mặt, vừa bán nợ trả chậm đến cuối vụ thanh toán và lãi suất tính lãi trả chậm được điều chỉnh hợp lý kết hợp với nhân viên bán hàng có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ người sử dụng sao cho phù hợp, hiệu quả. Nên hàng năm có trên 85% số hộ tham gia mua vật tư HTX.
Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng xã Phước Sơn
Xác định nhu cầu sử dụng rơm rạ của người dân làm thức ăn dự trữ cho trâu bò và trồng nấm rơm đang có xu hướng tăng cao, trong khi đó diện tích lúa thu hoạch được sử dụng bằng máy gặt đập liên hợp, làm cho rơm rạ nát, khó thu gom bằng phương pháp thủ công, phần lớn rơm, rạ bị bỏ không trên đồng ruộng hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường; HTX đã chủ động đầu tư làm dịch vụ máy cuốn rơm, kết quả trong năm thu lãi hơn 40,3 triệu đồng, bên cạnh đó HTX đã chủ động chuyển giao công nghệ cho nông dân, đến nay toàn xã đã phát triển 14 máy cuốn rơm.
Ðánh giá về hiệu quả hoạt động của HTXNN Phước Sơn 1, đồng chí Nguyễn Như Giàu - Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết:“HTXNN đã phát huy vai trò, hỗ trợ nông dân, làm tốt các khâu dịch vụ; tích cực tìm kiếm thị trường để thực hiện tốt dịch vụ bao tiêu sản phẩm. Ðồng thời luôn làm tốt nhiệm vụ tham mưu giúp Ðảng ủy và UBND xã trong việc chỉ đạo xây dựng đề án sản xuất mùa vụ, quy hoạch vùng sản xuất, bố trí cơ cấu giống cây trồng phù hợp tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi cây trồng hiệu quả, góp phần tích cực vào sự thành công xây dựng xã nông thôn mới của địa phương”./.
Tác giả bài viết: Tấn Hùng - Đài Truyền thanh huyện
Ý kiến bạn đọc