UBND huyện Tuy Phướchttps://tuyphuoc.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 18/03/2024 10:587330
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2022. Đây là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Hằng năm, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch đến ngày 02 tháng 2 âm lịch) tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Năm nay, Lễ hội được tổ chức từ ngày 29 tháng Giêng đến ngày mùng 02/2 âm lịch (nhằm từ ngày 09 – 11/3/2024).
Được biết từ ngày 29 tháng Giêng, trên khắp các ngã đường rất đông người dân địa phương và du khách đã đổ về Chùa Bà tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước để tham gia Lễ nghinh thần- rước sắc. Đây là nghi thức mở đầu cho các nghi lễ truyền thống của Lễ hội chùa Bà diễn ra từ 15h cùng ngày. Nghi lễ này được chuẩn bị rất công phu, có số lượng người tham gia khá đông lên đến hàng trăm người, gồm có đội kiệu nghinh thần với 4 kiệu rước biểu trưng ngư - tiều - canh - mục; đội tế lễ, đội cầm cờ và đội múa lân.
Ông Huỳnh Thái Sơn, Chánh tế tại Lễ hội cho biết: Sau khi tổ chức cúng lễ tại chùa Bà, đoàn lễ nghinh thần xuất phát từ chùa Bà, lần lượt khiêng kiệu đến chùa Ông (miếu Quan Thánh), miếu Bà Hỏa, dinh Thành Hoàng, miếu Ông Hổ để rước linh vị của các vị thần về chùa Bà để tế lễ. Các phần lễ tiếp theo gồm Lễ Cầu an và Lễ Tế bà sẽ được tổ chức trong 2 ngày tiếp theo (nhằm ngày mồng 1 và mồng 2 tháng Giêng AL). Trong 2 ngày này, khách thập phương đến dâng lễ, thắp hương khá đông không chỉ đi vào ban ngày mà hầu như xuyên đêm lúc nào cũng có khách.
Các nghi thức phần lễ theo Nghi thức dân gian
Lễ Hội chùa Bà là một nét văn hóa đặc sắc mang tín ngưỡng đặc trưng của cư dân vùng Cảng thị Nước Mặn nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất. Đồng thời cũng là tín ngưỡng cư dân mong các vị thần linh phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ cho việc sinh sản mẹ tròn con vuông… Lễ hội đã trở thành một hoạt động văn hóa tín ngưỡng quy mô lớn trong toàn tỉnh.
Chùa Bà đã trở thành tín ngưỡng chung cho người dân địa phương và du khách các nơi. Viếng lễ hội Chùa bà như một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của một số người dân. Đi chùa không chỉ để cầu mong những điều tốt đẹp cho cuộc sống và gia đình trong tương lai. Mà có người đi lễ chùa dâng lễ để tỏ lòng cảm ơn Thiên Hậu Thánh Mẫu đã phù hộ cho họ có cuộc sống như mong ước. Về Chùa bà dịp này, ngoài thực hiện các nghi thức tâm linh, người dân và du khách được tham gia, thưởng thức nhiều hoạt động hội vui tươi tươi, sôi nổi như: Các trò chơi dân gian, đánh bài chòi cổ, tổ chức hát bội, thi đấu bóng chuyền,… Năm nay địa phương làm một Khu nhà tranh tre trong khuôn viên chùa Bà để trưng bày, quảng bá các sản phẩm mỹ nghệ làm từ tre, như: Bàn, ghế, giường, xích đu, hộp đựng bút, đồ gỗ mỹ nghệ, tranh vẽ, viết thư pháp để phục vụ du khách tham quan, mua sắm. Ngoài ra, tại Nhà văn hóa thôn An Hòa cũng bố trí gian hàng bán các sản phẩm đặc trưng ở địa phương, như: Yến sào, chả ram tôm đất, bánh tráng… Trong thời gian diễn ra Lễ hội, Đoàn tuồng Đào Tấn sẽ biểu diễn tại chùa Bà để phục vụ bà con Nhân dân và du khách. Ban tổ chức còn chuẩn bị hàng nghìn suất cơm chay để phục vụ khách thập phương về dâng hương, thụ lộc vào mùng 1 và mùng 2 âm lịch.
Đại biểu tham dự phần Lễ và dâng hương theo nghi thức Nhà Nước
Sau khi được bộ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2022. Đường vào khu di tích chùa Bà được đầu tư khang trang, các hoạt động của lễ hội được đầu tư, tổ chức quy mô lớn hơn. Ngoài phần lễ theo Nghi thức dân gian do Ban Quản lý Chùa Bà phụ trách, phần Lễ theo nghi thức Nhà Nước cũng được huyện Tuy Phước tổ chức vào chiều ngày 11/03/2024. So với mọi năm lượng khách về tham gia lễ hội năm nay tăng cao. Chính quyền địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ATGT, ANTT, PCCC, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… để Lễ hội diễn ra an toàn, văn minh. Một số hình ảnh khác tại Lễ hội:
Tác giả bài viết: Nguyệt Ánh - Trung tâm VH-TT-TT- huyện