UBND huyện Tuy Phướchttps://tuyphuoc.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 19/02/2024 16:466710
Tờ mờ sáng mùng 1 Tết Giáp Thìn 2024, dòng người từ khắp các vùng quê trên địa bàn huyện và những huyện, thị xã, thành phố lân cận cùng du khách thập phương đã tấp nập cùng nhau hội tụ về trung tâm Chợ Gò, với nguyện ước không chỉ hái lộc về nhà mà còn là dịp để họ thăm hỏi, chúc nhau lời cầu chúc năm mới an khang, thịnh vượng, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Không khác là mấy so với mọi năm, phiên chợ độc đáo của tết Việt bán nhiều mặt hàng, nhưng chính vẫn là trầu cau, đu đủ, muối, gạo, các loại rau xanh, củ quả. Len lỏi trong những mặt hàng truyền thống này còn có mặt hàng hải sản tươi sống (cá, tôm, cua), thịt gia súc (heo, bò)… Vì thế, “menu” ở phiên chợ thêm phong phú, song vẫn giữ nét mộc mạc truyền thống.
Lễ Hội chợ Gò năm nay được tổ chức qui mô hoành tráng, mang đậm nét văn hóa dân tộc, ngoài mua lộc đầu năm, người dân và du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng, thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật tổng hợp “Chào xuân mới” với các tiết mục biểu diễn như: trống hội, múa lân, chương trình hát, múa, bài chòi, biểu diễn võ cổ truyền và liên hoan hội đánh bài chòi dân gian huyện Tuy Phước lần thứ 8. Đặc biệt khi đến với hội chợ Gò năm nay du khách còn được dịp khám phá những trò chơi dân gian truyền thống đặc trưng miền đất võ như: cướp cờ, u quạ, nhảy bao, bắt chạch trong chum, đập ấm….
Điều khiến du khách thích thú khi đến lễ hội chợ Gò là hầu như người ta không đặt nặng chuyện kinh doanh, buôn bán cũng không có sự thách trả hay cãi vã thường thấy. Mọi người đến đây chủ yếu là vui chơi giải trí, gặp mặt bạn bè để cùng chia nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho năm mới đầy may mắn, an khang thịnh vượng. Tại chợ Gò, trầu cau, muối, chùm sung vẫn là những sản phẩm được bán, mua nhiều nhất. Theo tục lệ, người khách sẽ mua 12 lá trầu tượng trưng cho 12 tháng trong năm, 2 trái cau và 1 ít vôi Trường Úc về đặt lên bàn thờ, sau ngày mùng 7 Tết hạ xuống và chỉ cần nhìn vào từng lá trầu sẽ biết tháng đó gia đình gặp may mắn hay không tốt. Cùng với đó, muối tượng trưng cho sự mặn mà, chùm sung tượng trưng cho sự sung túc. Đây là những quan niệm dân gian được truyền từ đời này sang đời khác với niềm tin về những điều tốt đẹp;…Ngoài các hoạt động bán buôn, Chợ Gò còn là nơi để đi dạo tận hưởng không khí đầu xuân. Theo các vị cao niên trong vùng, ngày trước Chợ Gò còn được gọi là chợ hẹn hò, bởi lẽ từ thời Tây Sơn, cảm thông với nỗi nhớ nhà của quân lính mà hai vị tướng là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cho mở Hội Chợ Gò để quân sĩ cùng Nhân dân vui chơi. Từ đó, năm mới đến, người thân của các binh sĩ đến thăm, người dân trong làng mang những sản phẩm cây nhà lá vườn ra bày bán. Hội Chợ Gò cứ thế mà đi vào tâm thức của người dân Tuy Phước và trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong mỗi độ xuân về.
Hội chợ Gò tuy chỉ diễn ra trong 2 ngày đầu năm (mùng 1 và mùng 2 Tết). Nhưng những ký ức đẹp đẽ, hùng tráng và giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc sẽ gắn chặt vào tiềm thức của mỗi người con đã, đang sống trên vùng đất Võ- và tất cả người con Tuy Phước dù có xa quê, nhưng vẫn luôn hướng về cội nguồn, tình yêu quê hương da diếc và “nơi ấy” có phiên chợ quê ngày Tết độc đáo, thân thiện và đầy mến khách./.
Tác giả bài viết: Xuân Vinh - Trung tâm VH-TT-TT huyện