UBND huyện Tuy Phướchttps://tuyphuoc.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 20/02/2024 14:362540
Sáng ngày 04/02/2024, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp UBND huyện Tuy Phước tổ chức Lễ khánh thành công trình “Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Lê Đại Cang” tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Đến tham dự Lễ khánh thành, có đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Lý Tiết Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Bích Ly - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Hồ Sĩ Dũng - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; đồng chí Tạ Xuân Chánh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đại diện các sở, ngành của tỉnh; đồng chí Trần Duy Vũ – UVBTV, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN huyện, đồng chí Nguyễn Hùng Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban, ngành huyện, lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn và gia tộc cụ Lê Đại Cang.
Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm tri ân công đức cụ Lê Đại Cang đối với lịch sử xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Công trình được khởi công vào ngày 30/8/2023, được thi công, thực hiện cẩn trọng để không ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích. Đến nay, công trình đã hoàn thiện với các hạng mục, gồm: Mộ cụ Lê Đại Cang; mộ bà Phạm Thị Doan-Đệ nhất phu nhân; mộ Quận chúa Ngọc Phiên-Đệ nhị phu nhân; hương án và am thờ, tường rào, cổng ngõ; sân đường nội bộ; bãi đậu xe; cảnh quan, cây xanh; kè chắn đất; hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước... Di tích được tôn tạo khang trang xứng tầm công lao cống hiến của cụ Lê Đại Cang đối với lịch sử của dân tộc. Công trình được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, góp phần phục vụ du khách đến thăm và tưởng niệm.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Lễ khánh thành
Cụ Lê Đại Cang, sinh năm 1771, ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Thời trai trẻ, dù gia cảnh nghèo túng, cha mẹ mất sớm, nhưng với ý chí lớn, ông đã vượt mọi khó khăn, giữ vững truyền thống nho học của dòng họ, chuyên tâm học cả văn lẫn võ, nhờ đó trở thành con người văn võ song toàn. Ông được tiến cử ra làm quan và đã phụng sự 3 triều vua đầu tiên của nhà Nguyễn. Ông từng làm Hiệp Trấn Sơn Tây, Cai bạ Quảng Nam, Cai bạ Vĩnh Long, Tham tri bộ hình, Quản lý đê chính Bắc thành, Quyền tổng trấn Bắc Thành, Thống đốc Sơn Tây – Hưng Hóa – Tuyên Quang, Tổng đốc Hà Nội – Ninh Bình, Thượng thư bộ Binh, Tổng đốc An Giang – Hà Tiên, Trấn Tây Tham tán đại thần, Bố chánh Hà Nội,…
Cuộc đời ông là quãng thời gian của một người làm quan bôn ba, lận đận, thăng trầm: quan văn có, quan võ có, quan xét xử án kiện có, quan chuyên trách đê điều, chăm lo sản xuất nông nghiệp hay chánh chủ khảo trường thi, rồi phụ trách tiếp sứ Trung Hoa, hay lo bảo hộ Chân Lạp. Ông để lại những dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, ngoại giao ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và cả nước láng giềng Chân Lạp. Lê Đại Cang được sử sách triều Nguyễn ghi nhận, đánh giá là có nhiều công lao trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, nhất là trên mảnh đất ngàn năm văn hiến Hà Nội và ở miền biên viễn phương Nam. Ông đã tiếp nối truyền thống cao đẹp của kẻ sĩ, của tri thức Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử là luôn biết hy sinh vì đại nghĩa, luôn gắn bó máu thịt với dân tộc trong mọi chìm nổi, hưng vong, vinh nhục. Dù là khi đắc thời quyền cao, chức trọng hay lúc thất thế bị cách chức trở thành lính khiêng võng,... Lê Đại Cang luôn nêu tấm gương sáng của một kẻ sĩ luôn tận tụy vì dân, vì nước, trên tuân mệnh vua, dưới cốt an dân, luôn làm điều tốt, điều lợi cho dân, được trọng thưởng không tự mãn, bị thụ án chẳng trách hờn. Bằng tất cả nỗ lực và lòng thành của mình, ông thực sự là một người “tôi trung, con hiếu”, mẫu mực đáng cho người đời sau phải kính nể, học tập. Ông xứng đáng được gọi là một bậc quốc sĩ.
Lê Đại Cang được đương thời và hậu thế ngưỡng mộ không chỉ vì những huân công ông đã lập được mà còn vì nhân cách lớn, nghị lực kiên cường tiêu biểu cho những phẩm chất ngời sáng của một kẻ sĩ: phú quý bất năng dâm; bần tiện bất năng di; uy vũ bất năng khuất. Từ cuộc đời và sự nghiệp của mình, Lê Đại Cang đã để lại cho hậu thế những bài học làm quan, làm người vừa rất phong phú, sâu sắc, vừa rất sống động, nóng bỏng. Đối với các quan chức, đó là bài học về tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tụy hết mình kết hợp với tác phong khoa học, luôn sâu sát thực tế, bài học về sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ bị hiểu lầm, không sợ bị vu oan giá họa, bất chấp hậu quả xấu mình phải gánh chịu để thực hiện trọn vẹn tiêu chí “cái gì có lợi cho dân thì gắn sức thực hiện, cái gì có hại cho dân thì tuyệt đối tránh”. Đối với mỗi con người, đó là bài học về sự bền bĩ vượt khó, luôn khổ học, khổ luyện để thành tài, bài học về sự kính trọng thờ phụng học hỏi tổ tiên, chăm lo giáo dục răn dạy, làm gương cho con cháu, bài học về sự gắn bó, khiêm hòa, thủy chung với bè bạn, với bà con làng xóm, với những người xung quanh.
Ông tham gia chốn quan trường suốt 41 năm, đến năm 1842 (71 tuổi) mới được vua Thiệu Trị chuẩn y cho nghỉ việc quan. Về bản quán là làng Luật Chánh, tuy tuổi cao nhưng ông tiếp tục làm được những việc lớn lưu lại hậu thế: xây từ đường họ Lê, viết lại gia phả họ Lê, xây chùa Giác Am,… và đặc biệt ông đã lập ra ban vận động quyên góp tiền của, ruộng đất để xây dựng Văn chỉ Tuy Phước, làm nơi tụ họp văn nhân, khuyến khích truyền thống hiếu học của nhân dân quê nhà.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện Tuy Phước và xã Phước Hiệp quản lý di tích đảm bảo phát huy hiệu quả thiết thực, có kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích./.